Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 841 triệu USD, giảm 30%. Trong đó xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ giảm đều giảm mạnh; lần lượt 38% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là lượng tồn kho lớn, sức tiêu thụ kém nên các nhà nhập khẩu hạn chế nhập hàng hoặc chỉ nhập với giá thấp khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm sâu. Kỳ vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ có thể hồi phục từ cuối quý 2/2023 khi tồn kho giảm bớt.
Còn thị trường Trung Quốc, mặc dù đã mở cửa sau Covid-19, giao thương dễ dàng hơn, nhưng nhu cầu của thị trường chưa hồi phục như dự đoán. Trung Quốc chủ yếu tăng nhập khẩu các mặt hàng hải sản và tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ để phục vụ cho ngành gia công, chế biến xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa có tín hiệu phục hồi mạnh vì sau một thời gian dài bị hạn chế bới dịch Covid-19, nhiều người bị giảm hoặc mất thu nhập, do vậy vẫn hạn chế chi tiêu, kể cả với phân khúc hàng giá thấp.
Hàng xuất khẩu gặp khó, cá tra vẫn hứa hẹn phục hồi cuối quý 2/2023
Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia vẫn có nhu cầu ổn định hơn với sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn đang xuất khẩu tốt sang một số thị trường như Singapore tăng 19%, sang Đức tăng 66%...
Theo VASEP, với những biến động kinh tế, chính trị hiện nay, khó có thể đưa ra những dự báo có tính cơ sở chắc chắn cho giai đoạn 2023 - 2024. Tuy nhiên, là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Bối cảnh sau Covid và lạm phát cao, đã có nhiều thay đổi về xu hướng nhu cầu các sản phẩm thủy sản. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường.
Bình luận (0)