Vì sao cả triệu tấn than ở mỏ Minh Tiến khai thác 'chui' 3 năm không bị phát hiện?

09/05/2023 19:20 GMT+7

Hàng triệu tấn than ở mỏ Minh Tiến (Thái Nguyên) bị khai thác trái phép trong suốt hơn 3 năm, nhưng chỉ khi cơ quan công an vào cuộc điều tra thì sai phạm mới được phanh phui.

Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố 33 bị can trong vụ khai thác than trái phép tại mỏ Minh Tiến (Thái Nguyên). Điều khiến dư luận đặt câu hỏi, đó là vì sao hàng triệu tấn than ở mỏ này bị khai thác "chui" trong suốt hơn 3 năm nhưng không bị phát hiện và xử lý, chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc điều tra thì sai phạm mới được phanh phui.

Vì sao cả triệu tấn than ở mỏ Minh Tiến khai thác 'chui' nhưng không phát hiện? - Ảnh 1.

Các bị can trong vụ án khai thác than trái phép ở mỏ than Minh Tiến

BỘ CÔNG AN

Khai thác vượt hơn 47 lần cấp phép

Công ty Cổ phần Yên Phước (gọi tắt là Công ty Yên Phước) do bà Châu Thị Mỹ Linh (53 tuổi, trú tại TP.HCM) làm Tổng giám đốc, được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác than tại mỏ Minh Tiến vào năm 2014, đến tháng 6.2018 thì bắt đầu triển khai.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương vốn không có chức năng và không được cấp phép khai thác than, nên phải mua lại than từ Công ty Yên Phước để bán cho bên thứ ba.

Thời gian đầu, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương mua một số lượng than của Công ty Yên Phước, tổng trị giá hơn 19 tỉ đồng. Đến tháng 3.2019, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đặt vấn đề muốn trực tiếp khai thác tại mỏ Minh Tiến và được Công ty Yên Phước đồng ý.

Theo thỏa thuận, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương sẽ mua lại toàn bộ máy móc và số lượng than còn tồn của Công ty Yên Phước, đồng thời trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước tính theo mỗi tấn than khai thác được sau này.

Giấy phép mà UBND tỉnh Thái Nguyên cấp cho Công ty Yên Phước thể hiện, trữ lượng khai thác là hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn/năm. Thế nhưng, khi "sang tay", Công ty Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương thỏa thuận sẽ khai thác với công suất tối thiểu lên tới 400.000 tấn/năm, gấp hơn 47 lần công suất được cấp phép.

Trong vòng 39 tháng, tính từ tháng 3.2019 đến tháng 8.2021 - thời điểm vụ án bị khởi tố, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã khai thác hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong đó đã vận chuyển ra khỏi mỏ hơn 1,5 triệu tấn và trả lợi nhuận cho phía Yên Phước hơn 145 tỉ đồng, gần 1,6 triệu tấn còn lại đang bị tạm giữ.

Vì sao cả triệu tấn than ở mỏ Minh Tiến khai thác 'chui' nhưng không phát hiện? - Ảnh 2.

Mỏ than Minh Tiến của Công ty Yên Phước tại Thái Nguyên bị phát hiện khai thác hàng triệu tấn than lậu

CỔNG TTĐT THÁI NGUYÊN

Để che giấu việc khai thác than "chui", bị can Châu Thị Mỹ Linh và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương lập khống các hợp đồng khai thác, vận chuyển, biên bản nghiệm thu. Công ty này còn lập ra 6 pháp nhân nhằm ký khống hợp đồng mua bán hóa đơn, hợp thức nguồn gốc than.

Kết quả điều tra cho thấy, thông qua khai thác than trái phép, bà Linh thu lời bất chính hơn 151 tỉ đồng, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương thu lời hơn 213 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 9.5

Kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện

Giống với nhiều vụ án khác, để sai phạm xảy ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý kịp thời, ngoài hành vi vi phạm từ phía doanh nghiệp thì một yếu tố quan trọng khác là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm từ phía chính quyền địa phương.

Viện KSND tối cao xác định , Sở TN-MT Thái Nguyên là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN-MT.

Nhằm đảm bảo công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vì sao cả triệu tấn than ở mỏ Minh Tiến khai thác 'chui' nhưng không phát hiện? - Ảnh 3.

3 bị can Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh

BỘ CÔNG AN

Trong các năm 2015 - 2017, kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Sở TN-MT Thái Nguyên phê duyệt đều có nội dung kiểm tra mỏ than Minh Tiến của Công ty Yên Phước.

Thế nhưng trên thực tế, Sở TN-MT không thanh tra, kiểm tra mỏ này theo kế hoạch; mà chỉ tiến hành hoặc tham gia 4 lần thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, theo kiến nghị của người dân và theo phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, lần 1 là năm 2016, lần 2 là tháng 10.2018, lần 3 là tháng 5.2020, lần 4 là tháng 4.2021. Những lần này, các đoàn kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử lý một số hành vi vi phạm của Công ty Yên Phước, nhưng chỉ căn cứ vào báo cáo từ phía công ty chứ không đo đạc, giám định sản lượng thực tế, nên không phát hiện việc khai thác không đúng giấy phép.

"Địa chỉ" chịu trách nhiệm cho sai phạm trên thuộc về dàn lãnh đạo, cán bộ của Sở TN-MT Thái Nguyên. Cụ thể, 4 bị can tại đơn vị này cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Nguyễn Thanh Tuấn (Giám đốc sở), Nguyễn Thế Giang (cựu Phó giám đốc sở), Lại Trung Hiếu (Phó trưởng phòng Khoáng sản), Cao Sỹ Linh (chuyên viên Phòng Khoáng sản)

Vai trò của cặp anh em song sinh - đại gia lan đột biến

Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương với sự góp vốn của nhiều cổ đông, trong đó có cặp anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (34 tuổi, cùng trú tại TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Mặc dù không phải là người đại diện pháp luật, nhưng Thanh và Giang được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo trong việc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm.

Cặp anh em song sinh này còn được biết đến là những đại gia lan đột biến, không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh mà trên cả nước.

Nhiều thông tin cho biết, thông qua việc nuôi trồng lan đột biến, Thanh và Giang được thăng hạng đại gia ngàn tỉ bởi những căn biệt thự hoành tráng và bộ sưu tập xe siêu sang.

Hồi tháng 3.2021, tên tuổi 2 anh em gắn liền với thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 250 tỉ đồng. UBND TX.Đông Triều khi ấy có văn bản gửi Công an cùng Chi cục thuế TX.Đông Triều, đề nghị kiểm tra giao dịch nêu trên.

Cuối cùng, vụ việc không đi đến hồi kết, bởi những người thực hiện thương vụ đưa ra nhiều giải thích khác nhau, chẳng hạn 250 tỉ đồng không phải là giá trị của một cây lan đột biến mà là hàng ngàn cây và thực hiện trong thời gian dài…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.