Vì sao các cán bộ Cục quản lý thị trường Bình Thuận bị bắt giam?

17/09/2022 16:35 GMT+7

Trong đơn tố giác, người dân mô tả cụ thể cách thức tẩu tán hàng hóa (đất sét) với khối lượng lớn của chủ hàng; tố cáo chủ hàng lậu đã chi nhiều tiền cho cán bộ quản lý thị trường Bình Thuận .

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 16.9, Cơ quan CSĐT Công an H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (phụ trách kiểm soát thị trường TX.La Gi, H.Hàm Tân và H.Hàm Thuận Nam; thuộc Cục QLTT Bình Thuận) Trần Văn Thăng cùng với Bùi Viết Mạnh và Ngô Văn Phúc (kiểm soát viên trung cấp Đội 2).

Các cán bộ thuộc Cục QLTT Bình Thuận bị khởi tố, bắt giam vì có dấu hiệu "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" và "nhận hối lộ".

Bắt giam quyền Đội trưởng Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Bình Thuận

Nhận tiền doanh nghiệp bị thanh kiểm tra

Ngay trong chiều qua, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (thuộc Bộ Công thương) đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 5 cán bộ kiểm soát viên thị trường. Ngoài 3 cán bộ bị khởi tố nói trên, còn có thêm 2 người là Nguyễn Hoàng Chương và Phạm Minh Thắng (là kiểm soát viên thị trường Đội 2) và đều tham gia các hoạt động kiểm tra khoáng sản (đất sét) cùng với quyền đội trưởng Trần Văn Thăng.

Ông Trần Văn Thăng được di lý từ TX.La Gi về nhà riêng để chứng kiến hoạt động khám xét của Cơ quan CSĐT

CTV

Trong quyết định tạm đình chỉ công tác của 5 cán bộ nói trên, Tổng cục QLTT đều ghi rõ lý do là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của doanh nghiệp bị thanh kiểm tra".

Có chuyện “cọp bắt heo mới làm chuồng" ?

Trong khi đó, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, việc để xảy ra các sai phạm của cán bộ Đội 2, đều có trách nhiệm của lãnh đạo Cục QLTT Bình Thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát cán bộ dưới quyền. Sai phạm của những cán bộ thuộc Đội QLTT số 2, dẫn đến vi phạm pháp luật đều từ công tác nghiệp vụ, cụ thể là quá trình thanh tra các hoạt thương mại liên quan đến khoáng sản ở địa bàn H.Hàm Tân và H.Hàm Thuận Nam.

Ông Trần Văn Thăng chứng kiến Cơ quan CSĐT lập biên bản tại nhà riêng sau khám xét

CTV

Theo hồ sơ của Thanh Niên, ngay từ tháng 6.2022, lãnh đạo Cục QLTT, Sở TN-MT Bình Thuận và thậm chí là lãnh đạo cao hơn đã nhận được tin tố giác của người dân liên quan đến tiêu cực từ Đoàn kiểm tra liên ngành (đoàn kiểm tra 1473) đối với hoạt động mua bán khoáng sản trái phép do ông Trần Văn Thăng làm trưởng đoàn.

Khám xét nơi làm việc của các bị can là trụ sở Đội QLTT số 2 ở TX.La Gi

H.L

Trong đơn tố giác của người dân ghi khá rõ ngày tháng, thành phần, nội dung quá trình đoàn kiểm tra do ông Thăng dẫn đầu đến làm việc với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về tàng trữ trái phép khoáng sản. Thậm chí đơn tố giác của người dân còn mô tả cụ thể cách thức tẩu tán hàng hóa (đất sét) được cho là có khối lượng lớn của chủ hàng.

Ngoài ra, người dân còn tố cáo chủ hàng lậu đã chi nhiều tiền cho các cán bộ QLTT trong đó có trưởng đoàn Trần Văn Thăng và đề nghị cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đó.

Rất đông người dân xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc chứng kiến việc khám xét ngôi biệt thự của gia đình ông Trần Văn Thăng

H.L

Tuy nhiên, mãi đến ngày 15.9, Cục trưởng Cục QLTT Bình Thuận mới cấp giấy giới thiệu cho một tổ công tác 4 người, do ông Phan Hoàng Anh Khoa (Phó cục trưởng) dẫn đầu, đến cơ sở xác minh các tố cáo liên quan đến cán bộ QLTT. Cụ thể là liên quan quyền đội trưởng Đội QLTT số 2 Trần Văn Thăng (giấy giới thiệu này còn giá trị tới ngày 30.9).

Ngày 16.9, khi tổ công tác của Cục QLTT Bình Thuận đang trên đường đi xác minh thì Cơ quan CSĐT Công an H.Hàm Thuận Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đến trụ sở Đội QLTT số 2 ở TX.La Gi để tiến hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Văn Thăng và các kiểm soát viên đơn vị này.

Một cán bộ có trách nhiệm trong ngành cho rằng sự kiện này nghĩa là chưa kịp “sửa sai” thì đã bị Cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt tạm giam. Hay nói cách khác thì “cọp bắt heo mới làm chuồng” tức là đã quá muộn.

Theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, kể từ khi Chi cục QLTT Bình Thuận được "nâng cấp" thành Cục QLTT, ông Trần Văn Thăng đã phụ trách địa bàn H.Hàm Thuận Nam gần 10 năm.

Kể từ khi Chi cục QLTT Bình Thuận được "nâng cấp" thành Cục QLTT (trực thuộc Tổng cục QLTT, Bộ Công thương), cục trưởng là ông Nguyễn Tiến Sơn. Ngày 16.3.2021, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có quyết định điều động ông Nguyễn Tiến Sơn từ Cục trưởng Cục QLTT Đắk Nông đến nhận công tác và làm Cục trưởng Cục QLTT Bình Thuận.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ngày 15.9, Phó cục trưởng Cục QLTT Bình Thuận Phan Hoàng Anh Khoa, đã ký quyết định (số 829) bố trí công tác đối với bà N.T.T.T (27 tuổi), nguyên nhân viên Cục QLTT Đắk Nông, đến nhận công tác tại Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Cục QLTT Bình Thuận. Bà T. là con gái của ông Nguyễn Tiến Sơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.