Vì sao các lão tướng ngày càng lên giá?

30/08/2022 12:21 GMT+7

Hàng loạt các cầu thủ đã qua tuổi băm, phong độ tưởng như đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp bất ngờ lại nhận được nhiều giá trị hậu hĩnh cho kỳ chuyển nhượng mùa này.

Nhiều người cười cợt khi M.U chi đến 70 triệu bảng để mua về lão tướng Casemiro (30 tuổi) trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa. Mua và ký hẳn hợp đồng dài hạn: 4 năm, thêm quyền gia hạn 1 năm. Cũng trong hè này, Chelsea mua về hậu vệ 31 tuổi Kalidou Koulibaly, như một sự tăng cường chủ lực. Tottenham thì ký hợp đồng 2 năm với lão tướng Ivan Perisic (33 tuổi).

Đã có thể gọi là “trào lưu”, khi giới ngôi sao luống tuổi không chỉ được các đội mạnh ưa thích ở Premier League, cũng không chỉ trong mùa hè này. Barcelona vừa mua lại Robert Lewandowski từ Bayern Munich. Giá chuyển nhượng có thể lên đến 50 triệu euro, cho một tiền đạo đã 34 tuổi!

Lewandowski lập cú đúp cho Barcelona trước Valladolid

AFP

Những năm gần đây, Liverpool mua Thiago Alcantara khi tiền vệ này sắp tròn 30 tuổi. Chelsea tăng cường Thiago Silva ở tuổi 36. PSG đón Sergio Ramos. Cristiano RonaldoLionel Messi cũng đồng loạt chuyển đổi CLB trong mùa hè năm ngoái, như mọi người đã biết. Đó là một hiện tượng, bởi thị trường chuyển nhượng có quy luật rất rõ ràng: cầu thủ đã trên 27 tuổi thì rất khó được chiêu mộ bởi đội bóng khác. Cầu thủ ở tuổi 30 trở lên thì chỉ được CLB chủ quản gia hạn hợp đồng (nếu muốn) từng năm một.

Một mặt, ý thức tập luyện và sự hỗ trợ quá tốt từ khoa học kỹ thuật làm các lão tướng thời nay dễ dàng kéo dài phong độ đỉnh cao khi đã chạm hoặc vượt qua ngưỡng tuổi “băm”. Giới trẻ thì chủ yếu nổi đình nổi đám nhờ sự lăng xê của giới truyền thông, chứ kinh nghiệm và bản lĩnh sao sánh được với các ngôi sao lớn tuổi. Ngôi sao trẻ vẫn có giá thật nhưng đã có không ít trường hợp các đội bóng lớn chi khủng để mua về “siêu sao dỏm” và thất bại ê chề. Chưa bao giờ bóng đá đỉnh cao bị giới đại diện cầu thủ, “siêu cò”, hoặc các giám đốc thương mại lũng đoạn nặng nề như khoảng chục năm gần đây. Kinh nghiệm rút ra: thà cứ mua loại ngôi sao lớn tuổi đã lộ rõ tài nghệ, giá chuyển nhượng thì phải chăng.

Nhìn lại những cú chuyển nhượng kỷ lục trong hàng ngũ “Big 6” ở Premier League sẽ biết. Cầu thủ đắt nhất lịch sử Chelsea là Romelu Lukaku (97,5 triệu bảng vào năm 2021). Ở Arsenal là Nicolas Pepe (72 triệu bảng, năm 2019). Ở Tottenham là Tanguy Ndombele (60 triệu bảng, năm 2019). Ngay trong hè này, họ đều đã bị tống khứ theo hình thức cho mượn, chủ yếu chỉ để giảm bớt quỹ lương chứ chẳng ai chịu mua. Hợp đồng kỷ lục của M.U là Paul Pogba (89 triệu bảng, năm 2016) thì chỉ thi thoảng tỏa sáng. Jack Grealish của Man.City (100 triệu bảng, năm 2021) thì chỉ nhàn nhạt trong suốt mùa bóng đầu tiên. Xem ra, Liverpool là đội duy nhất trong “Big 6” khai thác tốt bản hợp đồng kỷ lục của họ (Van Dijk, 75 triệu bảng, năm 2018).

Giá chuyển nhượng cao ngất của các ngôi sao trẻ đang ở độ tuổi tuyệt vời nhất về mặt phong độ trở nên mơ hồ khi giới chuyên môn nhìn vào những bài học vừa nêu. Ở chiều ngược lại, các lão tướng dần lên giá. Mùa trước, Real Madrid vô địch Champions League và La Liga nhờ trung phong Benzema và nguyên hàng tiền vệ Modric, Casemiro, Toni Kroos đều… luống tuổi. Milner và Henderson giúp Liverpool tiến sát đến “cú ăn 4”. Ibrahimovic và Giroud thì ghi bàn giúp AC Milan vô địch Serie A. Mùa này, Lewandowski, Casemiro, Koulibaly, Perisic đều đã ra mắt thành công với những mức độ khác nhau ở CLB của họ. Giá trị chuyên môn đang dần xuất hiện trở lại, thay cho sự hào nhoáng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.