Xe

Vì sao các nước Ả Rập không nỗ lực chống IS?

13/12/2015 19:32 GMT+7

Trong khi các nước phương Tây đang ngày càng đẩy mạnh chiến dịch chống IS, thì những nước Ả Rập ngay tại Trung Đông lại thể hiện một thái độ ngược lại.

Trong khi các nước phương Tây đang ngày càng đẩy mạnh chiến dịch chống IS, thì những nước Ả Rập ngay tại Trung Đông lại thể hiện một thái độ ngược lại.

Các nước Ả Rập tỏ ra không mấy mặn mà trong việc chống IS - Ảnh: ReutersCác nước Ả Rập tỏ ra không mấy mặn mà trong việc chống IS - Ảnh: Reuters
Mỹ mới đây gửi thêm một lực lượng đặc nhiệm đến Trung Đông tham gia chống IS bên cạnh các cuộc không kích tại Syria và Iraq trước nay. Anh cũng đã gia nhập đội máy bay oanh tạc tại Syria cùng với không quan Pháp. Một nước bị giới hạn triển khai quân ra nước ngoài từ sau Thế chiến 2 như Đức gần đây cũng tăng cường lực lượng cho chiến dịch chống IS.
Nếu xét về mặt địa lý, rõ ràng IS đặt ra nhiều nguy cơ hơn cho những nước Ả Rập so với các nước phương Tây. Tuy nhiên, mức độ tham gia của các nước vùng Trung Đông này đang ngày càng giảm dần, theo CNN hôm 10.12.
Ả Rập Xê Út và UAE đã giảm cường độ không kích chống IS xuống còn một lần mỗi tháng, theo một quan chức Mỹ nói ngày 7.12. Trong khi đó, Bahrain thì đã ngừng hẳn từ hồi giữa năm, tương tự với Jordan hồi tháng 8. CNN cho biết đã liên lạc với quan chức những nước này để hỏi ý kiến nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm.
IS không phải vấn đề ưu tiên
Bởi lẽ, IS không được coi là vấn đề ưu tiên của hầu hết các nước Ả Rập mà thay vào đó là Yemen. Các nhà phân tích cho rằng Yemen mới chính là trung tâm cuộc chiến giữa Ả Rập Xê Út và Iran, những nước mạnh nhất trong khu vực. Tôn giáo và chủng tộc chính là cốt lõi của sự thù địch dai dẳng giữa 2 nước này. Iran là nước có đa số người theo Hồi giáo dòng Shiite, trong khi hầu hết các nước khác trong khu vực, dẫn đầu là Ả Rập Xê Út có lượng người dòng Sunni chiếm đa số.
Khi Iran ủng hộ phe nổi dậy chiếm thủ đô Sanaa của Yemen vào năm 2014, liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu ngay lập tức mở chiến dịch phản công.
Theo giáo sư Fawaz Gerges nghiên cứu về Trung Đông tại trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh), Ả Rập Xê Út và UAE là 2 nước có tiềm lực về không quân nhất. Máy bay của 2 nước này đang chiến đấu tại Yemen, vì thế nên trọng tâm đương nhiên không phải là IS.
Ngoài vấn đề Yemen, giới phân tích còn cho rằng mối đe doạ về các cuộc tấn công trả đũa ngay trong nước cũng khiến các nước Ả Rập chùn chân trong chiến dịch chống IS.
Các nước Ả Rập coi việc đánh IS là của Iran, và nếu tham gia chống IS thì coi như giúp đỡ Iran - Ảnh minh hoạ: Reuters
“Các nước Ả Rập, gồm Jordan sau vụ phi công bị IS thiêu sống khi máy bay bị rơi ở Syria, đang giảm dần sự liên quan. IS không chỉ tồn tại ở Syria và Iraq mà còn có một lực lượng ủng hộ lớn ở khắp các nước Ả Rập như Xê Út, Kuwait, Lebanon và Jordan. Vì vậy mà những nước này muốn giảm thiểu nguy cơ”, giáo sư Gerges nhận định.
Ả Rập Xê Út là nước có nhiều nguy cơ nhất vì nước này không chỉ gửi lực lượng chiến đấu chống IS mà còn đóng vai trò lãnh đạo. Vì thế mà IS đã thực hiện những cuộc tấn công lớn tại nước này, nhắm vào cả các nhà thờ dòng Shiite và những mục tiêu khác.
Chống IS là trách nhiệm của Iran
Bên cạnh đó, các nước Ả Rập theo Hồi giáo dòng Sunni coi việc chống IS là trách nhiệm của Iran vì nước này là đồng minh thân cận của Iraq và Syria, 2 nước bị ảnh hưởng của IS nặng nhất. Nếu Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh chống IS thì cũng coi như đang giúp đỡ cho đồng minh của Iran tại Damascus và Baghdad.
Ngoài ra, các nước Trung Đông thật sự không muốn mạo hiểm triển khai bộ binh đến Iraq và Syria, và cũng chẳng có nước nào dám đứng ra đại diện làm điều đó.
Trường hợp này cực khó có khả năng xảy ra vì chắc hẳn chính phủ Iraq và Syria cũng không hề muốn bộ binh nước ngoài can thiệp vào, theo chuyên gia Ghadi Sary nghiên cứu về Trung Đông tại Viện Chatham House (London, Anh). Ông Sary còn lấy ví dụ về cách Iraq phản ứng mới đây trước việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại miền bắc Iraq.
Theo ông Sary, điều quan trọng trong việc triển khai quân ra nước ngoài là nhận được sự ủng hộ của chính phủ hoặc quân đội nước đó. Trong khi quân đội Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad thì được coi là không thể cộng tác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.