Vì sao các nước đều mong muốn tổ chức giải đua xe F1?

19/11/2018 13:08 GMT+7

Giải đua xe Công thức 1 (Formula 1 - F1) là môn đua xe thể thao "đắt giá", kinh phí tổ chức và quy mô đầu tư lớn, nhưng có rất nhiều nước mong muốn tổ chức.

[VIDEO] Tổ chức giải đua xe F1: hấp dẫn, nhưng không dễ ăn?

Giải đua xe F1 là gì?

Giải đua xe Công thức 1 (Formula 1 - F1) là môn đua xe thể thao "đắt giá". Sở dĩ gọi là đua xe công thức vì đây là những chiếc xe công nghệ cao được thiết kế đúng chuẩn ở mọi nơi trên thế giới, từ Á đến Âu.

 

Các giải đua F1 được là Grands Prix do Hiệp hội ô tô thế giới (FIA) điều hành. Mỗi chặng đua là cơ hội tích điểm cho chức vô địch F1, dành cho tay đua và đội kỹ thuật.

 

F1 là giải đua nổi tiếng hàng thập kỉ qua với những đường đua đặc biệt. Giải đua đầu tiên diễn ra năm 1950 tại Anh. Anh hiện vẫn tổ chức đua xe F1, tại một sân bay cũ tên Silverstone. Năm 1929, giải đua mở chặng đua đường phố đầu tiên tại Monaco, và hầu như giữ nguyên hiện trạng đến nay. Năm 2008, Singapore trở thành đường đua F1 buổi tối đầu tiên và là một trong những đặc trưng du lịch nước này.

 
Chặng đua diễn ra vào buổi tối Singapore Grand Prix - Ảnh: Reuters

Giải đua F1 diễn ra như thế nào?

Mỗi giải đua được chia thành 3 giai đoạn: Luyện tập - Đánh giá chất lượng - Đua. Giải đua thú vị khi tay đua không chỉ phải vượt mặt đối thủ mà còn phải bảo vệ chiếc xe đặc biệt và giảm thiểu thời gian ở các trạm kiểm tra phụ tùng.

 

Trạm kiểm tra PIT của Ferrari tại Grand Prix Úc 2018 - Ảnh: Reuters

Các trạm kiểm tra (PIT) cũng là điểm nhấn của F1, những cảnh thường thấy trên phim. Các tay đua lựa chọn tấp vào các trạm để đội kỹ thuật thay bánh xe. Trạm dừng nhanh nhất trong lịch sử F1 là 1,923 giây của đội Red Bull ở giải Grand Prix Mỹ 2013, trong khi trung bình, đội thiết kế sẽ thay trong 2,5 giây. Kể từ năm 2011, việc bổ sung nhiên liệu bị cấm. Việc kiểm tra, thay thế từng linh kiện nhỏ được sắp xếp kĩ lưỡng nhằm tối đa hóa thời gian dừng ở các PIT.

 

Những chiếc xe đua theo công thức

Các xe phải thiết kế theo một bộ thể thức nhất định. Từ năm 2014, các loại xe sử dụng hệ truyền động điện với động cơ tăng áp V6 dung tích 1,4 lít và hệ thống phục hồi năng lượng (ERS) để sử dụng năng lượng từ phanh và ống xả. Các động cơ sản sinh 600 mã lực, trong khi ERS tiếp thêm 160 mã lực.

 

Các đội phải tự thiết kế xe của mình, nhưng có thể mua động cơ từ các đối thủ. Hiện có 4 nhà sản xuất động cơ: Ferrari, Honda, Mercedes-Benz và Renault, cho 11 đội. Ferrari, Mercedes-Benz và Renault tự vận hành đội của mình, trong khi Honda hợp tác với McLaren.

 
Honda hợp tác với McLaren vận hành đội đua - Ảnh: Reuters
 

Kinh phí đắt đỏ

Kinh phí tổ chức đắt đỏ và đầu tư công phu khiến nhiều quốc gia phải tạm ngưng hoặc ngừng tổ chức F1 như Pháp, Đức, Malaysia, Hàn Quốc. Ấn Độ từng tổ chức 3 giải đua F1 và ngưng năm 2013 khi nợ phí tổ chức 51,4 triệu USD. Theo Forbes và CNBC, hợp đồng 10 năm cho một nơi đăng cai F1 trị giá gần 1 tỉ USD gồm phí tổ chức và hoạt động.

 
Giải Grand Prix Malaysia không ký lại hợp đồng khi hết hạn vào cuối năm 2019 - Ảnh: Reuters

Một điển hình thành công là Singapore. Nước này từng công khai chi phí tổ chức F1 hằng năm khoảng 100 triệu USD. Ngược lại, Singapore thu về khoảng 1 tỉ USD từ 450.000 khách du lịch xem đua xe. Hiện giờ quốc đảo vẫn giữa được vị trí là một trong những giải đua xe F1 thu hút nhiều người xem nhất. Nhưng tình hình của "người hàng xóm" lại không như ý khi giải Grand Prix Malaysia sẽ không ký lại khi hết hạn vào cuối năm 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.