Vì sao các trường tư dễ "hút" giáo viên giỏi?

20/12/2006 11:08 GMT+7

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm với tấm bằng loại giỏi, Anh Thư quyết định nộp hồ sơ xin được dạy tại Trường tiểu học DL quốc tế Việt Úc, nơi cô từng ấp ủ một tham vọng ngay từ khi còn học năm cuối đại học.

Theo cô, được giảng dạy trong môi trường quốc tế, chuyên nghiệp sẽ luôn là ước mơ của tất cả những ai đang theo đuổi sự nghiệp làm thầy. Đó là một ví dụ cho thấy hiện nay các trường dân lập đã thu hút khá nhiều giáo viên trẻ, giỏi và năng động...

Trường tư: kỹ năng giảng dạy sáng tạo

Cô Trúc Diệp (Cơ sở VAS An Dương Vương, Q.5, TP.HCM) mở đầu giờ tiếng Việt lớp 1 thật sinh động. Cô đã mang đến cho các cháu những giây phút học tập thật thoải mái và dễ hiểu. Thay vì học theo kiểu cứng nhắc, công thức, cô đã dẫn lớp học bằng những trò chơi tập thể đầy hấp dẫn. Hay trong giờ học tiếng Anh của cô Katherine thì đầy tính kịch; học sinh là những diễn viên và bài học là những hoạt động gần gũi. Cứ thế, bằng phương pháp trực quan sinh động, các thầy cô đã dẫn dắt các em học bằng cả niềm say mê và mau chóng ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp.


Học sinh trường Việt Úc đang đọc sách tại thư viện 

Cô Nguyễn Hoa Mai (Hiệu phó phụ trách chuyên môn trường Việt Úc) cho biết "để có được những kỹ năng giảng dạy sáng tạo chính là nhờ giáo viên của trường thường xuyên được tham gia chương trình trao đổi chuyên môn với sự chia sẻ của các chuyên gia nước ngoài và các nhà sư phạm Việt Nam giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn, phương pháp Học tập tích cực và chủ động (Active Learning) do bà Fiona Farley (Chuyên gia giáo dục người Úc), hội thảo TESOL (Teaching of English to speakers of Other languages) dành cho giáo viên dạy tiếng Anh (do ông Alan Maley chuyên gia hàng đầu thế giới của Anh) tập huấn... Những phương pháp này đã giúp giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức một chiều mà khơi gợi được sự sáng tạo, chủ động của từng giáo viên khi lên lớp.

Chị Lê Nguyễn Thiên An (Phụ trách tuyển dụng) cho biết: Chỉ trong vòng 2 năm, hệ thống Trường DL quốc tế này đã quy tụ được gần 150 giáo viên Việt Nam trên phạm vi cả nước. Họ phần lớn là nhữäng giáo viên trẻ, năng động với trình độ chuyên môn vững vàng. Rất nhiều người đã tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, quốc gia và đoạt giải cao.

Thầy Nguyễn Hoàng Tú tâm sự: "Sĩ số dưới 20 em/lớp; lớp học, phòng bộ môn được trang bị đầy đủ tiện nghi và công cụ trợ giảng hiện đại đã giúp chúng tôi dễ dàng ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới". Còn cô Trúc Diệp thì hào hứng kể: "Chúng tôi được dạy theo những cách riêng, được tự do sáng tạo để bài giảng của mình trở nên hấp dẫn". Lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công này, cô Lê Thị Thu Hà (Giám đốc điều hành) mỉm cười: "Chúng tôi luôn ở bên cạnh giáo viên, lắng nghe những gì họ nói và cùng họ xây dựng một mục tiêu đào tạo lâu dài. Ở đây, giáo viên được hưởng các chế độ phúc lợi cao nhất, không chỉ có mức thu nhập cao hơn 3-4 lần so với mức lương ở bên ngoài mà còn có tiền thưởng ngày lễ, Tết; được tham dự những chuyến đi nghỉ mát hằng năm tại các khu resorts nổi tiếng. Và điều quan trọng là giáo viên được tôn trọng, được đánh giá nhận xét theo đúng năng lực vào cuối năm để xét tăng lương và thưởng cho năm tới".

Trường trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký tại TP.HCM do GS-NGND Hoàng Như Mai làm Hiệu trưởng cũng sắp đưa vào thực hiện một dự án tài chính làm nức lòng đội ngũ giáo viên. Đó là việc biên chế hóa đội ngũ giáo viên. "Hiện nay, rất nhiều giáo viên đang dạy tại các trường tư thích thú với mức thu nhập cao nhưng lại lo âu trước việc chỉ được nhận lương 9 tháng của một năm học (không có lương 3 tháng nghỉ hè), không có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ"- ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trương Vĩnh Ký cho biết như vậy". Chính sách cải cách tiền lương và thu nhập của nhà trường đã làm yên lòng nhiều người: chuyển từ thu nhập thỉnh giảng trong 9 tháng/năm học sang lương biên chế 12 tháng/năm mà vẫn bảo đảm thu nhập tối thiểu bằng với mức hiện tại nhưng số giờ bắt buộc đứng lớp thì giảm hơn.

Đặc biệt hơn, Trường Trương Vĩnh Ký là nơi đang thu hút nhiều cán bộ quản lý giỏi trong ngành giáo dục về làm việc ở đây ngay khi họ chưa đến tuổi hưu trí. Nhiều người từng làm hiệu trưởng trường chuyên nổi tiếng, vừa đến tuổi hưu cũng được đón ngay về để trọng dụng.

Trường công: trói buộc vì cơ chế

Trong khi đó, tại các trường công lập, nhiều hiệu trưởng gần như loay hoay bất lực trước việc muốn cải tổ chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" để giữ chân giáo viên giỏi mà không thể làm được. Bà Trần Thị Kim Thanh- Trưởng phòng Giáo dục Q.I nói với chúng tôi: "Khoảng 11 năm qua, các trường chỉ được phép thu một mức học phí theo quy định. Học sinh ngày một nhiều, chất lượng ngày càng nâng lên, thị trường thì trượt giá liên tục, chỉ riêng trường công là không được phép tăng mức thu học phí! Trong khi đó, các trường tư được bình đẳng với trường công về mọi mặt, từ chương trình đến bằng cấp thì lại được "ưu đãi bất công" muốn thu học phí bao nhiêu là tùy họ"

Một cán bộ quản lý ngành giáo dục phân tích: "Nhìn ra được thực trạng này, ngành GD đã thử nghiệm mô hình tự chủ tài chính. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không triệt để vì trường được tự chủ thỏa thuận mức thu với phụ huynh nhưng đến khi chi thì phải theo định mức thì cũng có tác dụng gì đâu?".

Hiệu trưởng một trường bán công nổi tiếng nói thật với chúng tôi: "Nhiều phụ huynh, nhiều mạnh thường quân ủng hộ tiền bạc, quà cáp cho nhà trường nhưng chúng tôi đều phải "lách" để sử dụng có hiệu quả phục vụ học sinh. Anh cứ thử nhìn thì biết, năm nào cũng sơn lại tường, cửa, cũng phải tu bổ cơ sở vật chất... Với kinh phí chính thức chừng vài chục triệu đồng của Nhà nước thì làm sao sơn nước cho 3 cơ sở với vài chục ngàn mét vuông tường? Xin xỏ 3-5 năm, qua 2 đời hiệu trưởng, nay mới được duyệt kinh phí mua 500 bộ bàn ghế mới thì cả ngàn học sinh đã còng lưng, vẹo cột sống và cận thị!"

Thế mới biết, cơ chế chính là sợi dây thừng trói buộc mọi ý tưởng sáng tạo và là nguyên nhân làm dịch chuyển nguồn nhân lực, nhân tài về các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.

Đối với ngành giáo dục, đâu chỉ là chuyện tăng lương cho giáo viên mà phải là cả sự thay đổi chính sách, cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng, chính sách giữ chân người tài...

      V.TH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.