Vì sao cần cơ quan bảo hiến?

09/12/2011 01:18 GMT+7

Sau khi Thanh Niên ngày 8.12 đăng tin Đề xuất thành lập cơ quan bảo hiến, nhiều bạn đọc đề nghị làm rõ vai trò cũng như mô hình của cơ quan bảo hiến. Thanh Niên đã gặp một số chuyên gia để giải đáp thêm vấn đề này.

Sau khi Thanh Niên ngày 8.12 đăng tin Đề xuất thành lập cơ quan bảo hiến, nhiều bạn đọc đề nghị làm rõ vai trò cũng như mô hình của cơ quan bảo hiến. Thanh Niên đã gặp một số chuyên gia để giải đáp thêm vấn đề này.

Theo Th.s-LS Phan Thông Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng ban đại diện phía Nam, ở các nước, cơ quan bảo hiến đã được thành lập từ lâu và có những tên gọi khác nhau như Hội đồng bảo hiến (Pháp, Algeria…), Tòa án hiến pháp (Nga, Đức, Áo...) hoặc cũng có nước giao chức năng này cho tòa án, gọi là Tòa bảo hiến (Mỹ, Mexico...). Chức năng chung của cơ quan bảo hiến là tập trung vào việc tuyên bố hủy bỏ những chỉ thị, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước được ban hành trái với hiến pháp. Đối với quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp, cơ quan bảo hiến có vai trò hết sức quan trọng vì nó có chức năng tuyên hủy những văn bản pháp luật trái với hiến pháp, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật… “Ví dụ vừa qua, Bộ Y tế ban hành thông tư trong đó cấm người không đủ chiều cao và ngực lép điều khiển xe, hoặc Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định buộc các xã viên HTX vận tải phải chuyển quyền sở hữu phương tiện vào HTX mới được quyền kinh doanh... Những văn bản này, theo tôi đã vi phạm cơ bản đến những quy định của hiến pháp, nó xâm phạm đến quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản. Nếu có cơ quan bảo hiến thì việc xử lý trách nhiệm pháp lý phát sinh, buộc bồi thường thiệt hại sẽ được cơ quan này áp dụng theo thông lệ như các nước khác trên thế giới”, ông Phan Thông Anh nói.

Nên là Tòa bảo hiến

Vậy mô hình của cơ quan bảo hiến là gì? TS Ngô Huy Đức và TS Lưu Văn Quảng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh -  những người đề xuất thành lập cơ quan bảo hiến - cho rằng đối với nước ta, có thể tính đến phương án thành lập một Tòa bảo hiến độc lập. Hiến pháp sẽ phải đưa ra quy trình thành lập, quy trình xét duyệt tư pháp... của tòa này. Về số lượng, thành viên của tòa này có thể là 7 hoặc 9 thành viên (để đảm bảo sẽ đạt được đa số khi bỏ phiếu), do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Quy trình lựa chọn là các ứng cử viên có thể sẽ do Liên đoàn Luật sư, hoặc MTTQ Việt Nam đề cử. Để đảm bảo tính độc lập của Tòa bảo hiến, các thẩm phán của tòa không bị các chủ thể quyền lực khác gây áp lực trong quá trình xét xử, cần tính đến phương án bổ nhiệm các thẩm phán với nhiệm kỳ ít nhất là 10 năm, không tái bổ nhiệm.

Đồng tình với mô hình định chế bảo hiến độc lập, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Luật - ĐHQG TP.HCM, phân tích thêm: “Trong một thể chế lành mạnh, chỉ có tòa án mới có quyền nói tiếng nói của công lý, cả công lý trong cuộc sống tư nhân, trong hoạt động quản lý nhà nước và trong việc làm luật. Bởi vậy, việc thẩm định tính hợp hiến của một đạo luật, tính hợp luật của một văn bản lập quy, theo một cơ chế kiểm tra khách quan, phải là một phần của hoạt động tài phán chuyên nghiệp và độc lập. Với định chế bảo hiến độc lập thì hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nhằm bảo đảm sự tôn trọng đối với luật và nghị quyết của Quốc hội. Sự giới hạn này hoàn toàn phù hợp với thực trạng công tác giám sát hiện nay.

Xóa bỏ tình trạng vi hiến                                                                     

Hiện nay, nước ta có rất nhiều bộ luật, văn bản dưới luật. Tuy nhiên, đang xảy ra tình trạng luật nọ trái luật kia, thậm chí trái hiến pháp. Trong bối cảnh đó, việc thành lập cơ quan bảo hiến nhằm thực thi đúng hiến pháp là việc rất cần. Trước nay, mình không làm điều này, bây giờ có điều kiện để làm được thì quá tốt. Về quyền hạn của cơ quan này, tùy Quốc hội giao quyền đến đâu thì thực thi đến đó.

Luật gia Hoàng Trung Tiếu, Hội Luật gia TP.HCM

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.