Vì sao Cần Thơ ngập nặng?

Chí Nhân
Chí Nhân
15/10/2022 06:16 GMT+7

Mực nước triều cao kỷ lục khiến tình trạng ngập ở TP. Cần Thơ càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là thiếu không gian “hấp thụ lũ”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước thủy triều cao nhất được ghi nhận tối 12.10 trên sông Hậu tại Cần Thơ đã đạt mốc 2,27 m, vượt báo động (BĐ) 3 tới 0,27 m và vượt mốc lịch sử 2,25 m hồi năm 2019.

Cần Thơ triều cường kỷ lục: Người rung đùi trong quán, người "bơi" bì bõm trên đường

Thủy triều lịch sử và lũ thượng nguồn

Suốt tuần qua, người dân Tây Đô và một số địa phương lân cận đang sống chung với ngập ngày hai buổi sáng chiều. Mực nước thủy triều cao kỷ lục đã “biến” nhiều tuyến đường nội ô TP.Cần Thơ thành sông. Ở trung tâm Q.Ninh Kiều, các tuyến đường chính Mậu Thân, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng… đều hóa thành sông. Rất nhiều phương tiện bị chết máy giữa đường, việc di chuyển giữa biển nước vô cùng khó khăn khiến nhiều người trễ giờ làm, giờ học, việc buôn bán kinh doanh cũng bị đình trệ. Đến mức, chính quyền và ngành giáo dục địa phương phải cho trẻ con ngưng đến trường, chuyển sang học trực tuyến vì cứ hết trận ngập buổi sáng lại đến con nước lên buổi chiều.

Nước còn tràn vào các bệnh viện gây ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh nhân. Cụ thể, tại Bệnh viện Tim Mạch TP.Cần Thơ trên đường Trần Hưng Đạo, nước tràn cả vào phòng bệnh. Từ nhân viên các khoa, phòng bị ảnh hưởng cho đến lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện đều phải xắn quần tham gia ngăn nước triều cường, hỗ trợ người bệnh đến khám và điều trị.

Nhưng nào đã hết, theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, sắp tới vẫn còn vài đợt ngập do triều cường. Tuy nhiên, đây là đợt ngập cao nhất trong năm nay do kết hợp giữa triều cường và mực nước lũ đầu nguồn cao.

Người dân TP.Cần Thơ đối mặt nhiều khó khăn trong sinh hoạt do ngập nặng vì triều cường cao lịch sử

Duy Tân

Một điều đáng chú ý là khu vực nội đô ngập nặng hơn vùng ven, càng ra xa trung tâm mức độ ngập càng giảm. Cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 70 km, TT.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) những năm trước đây cũng bị ngập nặng vì triều cường thì năm nay đã thoát ngập nhờ hệ thống đê bao và cống đập ngăn nước. Thị trấn này không phải là địa phương duy nhất ở miền Tây chống ngập triệt để bằng giải pháp công trình. Ngoài các công trình chống ngập ở những khu dân cư, còn không ít công trình chống ngập ở khắp đồng bằng để sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều diện tích sản xuất lúa, vườn cây ăn trái vẫn được bảo vệ tốt trước con nước lũ và cả triều cường.

Giải thích về hiện tượng triều cường ở miền Tây lập kỷ lục mới, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Triều cường ở Nam bộ vừa qua cao không chỉ ở miền Tây mà ngay cả trạm Phú An ở H.Nhà Bè trên sông Sài Gòn cũng vượt BĐ 3. Thế nhưng, chỉ có trên sông Tiền, Hậu ở miền Tây vượt lịch sử vì các sông ở ĐBSCL có thêm yếu tố nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về. Năm nay, lượng nước về vượt BĐ 1 xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn vài năm gần đây khá nhiều. Còn hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai thì yếu tố nước lũ thượng nguồn bổ sung rất ít. Đây là hai yếu tố làm Cần Thơ và nhiều nơi ở miền Tây ngập nặng mấy tuần qua. Bên cạnh đó, còn có yếu tố sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm, do mức độ đô thị hóa cao làm thiếu không gian cho tiêu thoát nước khi gặp tình trạng ngập kết hợp với mưa…

Cần Thơ bỗng hóa “Venice phương Đông” khi đường phố ngập nặng vì triều cường

Thiếu không gian hấp thụ nước

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái học ĐBSCL, bổ sung: Ngoài những yếu tố trên còn có nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Một yếu tố quan trọng là không có không gian cho nước lan tỏa, hay nói cách khác là không gian hấp thụ nước. Trong 20 năm qua, vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã chạy đua làm đê bao chống lũ để sản xuất nông nghiệp, nhất là làm lúa 3 vụ.

Ngay thời điểm này, trong những ô đê bao đó lúa vẫn tiếp tục được xuống giống và bảo vệ tránh khỏi tác động nước lũ. Không có không gian, nước được dồn về các trung tâm, đô thị ven biển. Để giải ngập cho khu trung tâm nội ô TP.Cần Thơ và các tỉnh miền Tây, có 2 bài toán cần phải giải là giảm khai thác nước ngầm để hạn chế sụt lún và tạo không gian cho nước lan tỏa.

Chúng ta lấy đi không gian của nước để sản xuất nông nghiệp nên gây ngập ở vùng nội ô. Nay muốn giảm ngập ở nội ô thì phải tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Sự tái tạo không gian cho nước lan tỏa được hiểu ở quy mô toàn đồng bằng.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái học ĐBSCL

“Chúng ta lấy đi không gian của nước để sản xuất nông nghiệp nên gây ngập ở vùng nội ô. Nay muốn giảm ngập ở nội ô thì phải tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Sự tái tạo không gian cho nước lan tỏa được hiểu ở quy mô toàn đồng bằng”, ông Thiện nói.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho hay: Tình trạng ngập nặng ở TP.Cần Thơ hiện nay là một hệ quả tổng hợp của nhiều vấn đề. Thật khó để đưa ra một giải pháp tổng hợp cho vấn đề này và nó cũng sẽ rất tốn kém. Trước mắt, chúng ta nên chấp nhận việc sẽ có một vài thời điểm trong năm phải sống chung với ngập. Dù ngập ở các đô thị gây bất tiện đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày nhưng chúng ta cũng không nên nhìn nó một cách quá cực đoan vì nó còn gắn với mùa lũ thượng nguồn sông Mê Kông, mà lũ này có yếu tố rất tích cực cho sản xuất nông nghiệp và tự nhiên của đồng bằng.

Triều cường dâng cao nhất từ trước tới nay, Cần Thơ ngập sâu chưa từng thấy

Mùa lũ bị “delay”

Lần đầu tiên sau nhiều năm, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đã vượt BĐ 1 và vượt trung bình nhiều năm. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Mực nước trên dòng chính sông Mê Kông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và có xu thế giảm. Mực nước lũ đầu nguồn tại trạm Tân Châu trên sông Tiền tại Đồng Tháp ngày 12.10 đạt mức 3,64 m vượt BĐ 1 và so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,04 m. Tại Châu Đốc trên sông Hậu ở An Giang đạt 3,34 m, vượt BĐ 1 và cao hơn trung bình nhiều năm 0,07 m. Đỉnh lũ chính vụ thấp, về cơ bản các khu vực ô bao sản xuất vụ thu đông đều không bị ảnh hưởng bởi lũ.

Mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới xảy ra trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông tuy khá lớn nhưng chỉ xảy ra trên phạm vi hẹp và thời gian mưa xảy ra trên cùng một vị trí ngắn, các khu vực khác hầu như không mưa. Vì vậy, nhận định nguồn nước trên dòng chính sông Mê Kông, khu vực hạ Lào và Campuchia trong thời gian tới vẫn tiếp tục giảm. Nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm trong tuần tới sau đó tiếp tục giảm đến hết mùa lũ. Tuy nhiên, triều cường dự báo từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao, cần đề phòng đặc biệt trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện giải thích: Thông thường đỉnh lũ sẽ xuất hiện vào giữa tháng 9, những năm gần đây luôn trễ đến đầu tháng 10 và năm nay đến giữa tháng 10. Do các đập thủy điện thượng nguồn đã ưu tiên tích nước vào hồ hồi đầu mùa mưa. Các trận mưa đầu mùa đã không xuống được dòng chính sông Mê Kông để xuôi về hạ lưu. Mùa lũ đã bị “delay”. Đây có thể là bình thường mới trong tương lai. Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt BĐ 1 và xấp xỉ trung bình nhiều năm vì năm nay là năm La Nina nên lượng mưa ở phía hạ lưu vực vẫn khá, cộng với cơn bão Noru nên phần hạ lưu vực ở Lào, Campuchia và VN có lượng mưa tăng đáng kể gần đây. TP.Cần Thơ có thể tiếp tục ngập vào đợt triều cường 30.9 âm lịch tức khoảng 25 - 30.10 tới nhưng không cao như đợt này.

Với xu thế hiện nay, tình trạng ngập có khả năng mỗi ngày một tăng. Để “chống ngập” bền vững cho miền Tây, phải chặn đứng được việc khai thác nước ngầm. Trong quy hoạch đô thị và giao thông, phải tạo không gian tiêu thoát nước. Các vùng đất trũng thấp phải được bảo vệ để trữ nước vào những mùa cao điểm lũ và triều cường như vừa qua.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.