Hãng thông tấn UPI mới đây dẫn kết quả một nghiên cứu do Viện Max Planck (Đức) và Đại học Yale (Mỹ) phối hợp thực hiện, được bình duyệt và công bố trên the journal Cell Metabolism (tạm dịch: tập san Trao đổi chất tế bào), cho hay thực phẩm chứa nhiều đường hay chất béo khi đi vào cơ thể sẽ có khả năng kích thích não thèm ăn những loại thực phẩm tương tự nhiều hơn.
Cụ thể, nhóm chuyên gia của Đức và Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trong 8 tuần, với sự tham gia của 49 tình nguyện viên khỏe mạnh, được chia thành 2 nhóm.
Bên cạnh chế độ ăn bình thường, nhóm 1 sẽ được ăn thêm một bữa nhẹ nhiều chất béo và đường. Trong khi nhóm 2 được có thêm bữa ăn tương tự, nhưng ít chất béo và đường hơn. Trước và trong suốt thời gian nghiên cứu, hoạt động não bộ của các tình nguyện viên cũng được theo dõi và đo lường thường xuyên.
Kết quả cuối cùng cho thấy nhóm tình nguyện viên ăn nhiều đường và chất béo sẽ có phản ứng não mạnh hơn, dễ thèm ăn hơn khi nghe đến đồ ăn béo, ngọt sau đó.
Các tác giả giải thích nhóm người ăn nhiều đồ ngọt, béo thường xuyên sẽ khiến "hệ thống tưởng thưởng dopamine" của não được kích hoạt. Theo đó, khi một người lặp lại việc ăn đồ nhiều năng lượng trong một khoảng thời gian đủ dài (theo nghiên cứu này là khoảng 8 tuần), các kích thích dopamine sẽ hình thành.
Điều này có nghĩa là sau mỗi một lần ăn thực phẩm nhiều đường, chất béo, bạn lại muốn ăn nhiều hơn ở lần kế tiếp để nhận được nhiều năng lượng, và có được cảm giác khoan khoái tương tự. Hiện tượng này được các chuyên gia của Viện Max Planck ví gần giống với người nghiện thuốc phiện.
Ngoài ra, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Marc Tittgemeyer - thuộc Viện Max Planck, cũng giải thích thêm đam mê đồ béo, ngọt được xem là sở thích bẩm sinh của con người.
Nếu bạn thiếu chủ ý trong việc kiểm soát thói quen nạp vào các loại đồ ăn này, cộng với việc ăn trong thời gian dài sẽ tạo ra phản xạ thèm ăn tự nhiên cho cơ thể, từ đó có thể dẫn tới chứng ăn uống vô độ các thực phẩm không lành mạnh, làm khởi phát nhiều bệnh lý nguy hiểm như béo phì, đái tháo đường hay tim mạch…
Bình luận (0)