(iHay) Đội tuyển U.19 Việt Nam đang được dư luận cả nước quan tâm. Trong các phát biểu của mình, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng cũng luôn khẳng định: 'VFF sẽ không tiếc tiền để chăm lo cho đội tuyển U.19 Việt Nam'.
>> HLV Guillaume: U.19 Việt Nam không thắng vì nhiều sai lầm cá nhân
|
Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi đội tuyển lại rất thiếu thốn từ những chiếc áo thi đấu. Trước khi dự giải U.22 Đông Nam Á, đội tuyển U.19 Việt Nam được nhận một người 2 bộ áo thi đấu màu trắng và 2 bộ thi đấu màu đỏ, kèm lời căn dặn: “tất cả nhiêu đây sử dụng cho đến hết VCK U.19 châu Á vào tháng 10 tại Myanmar”.
Vị chi với 4 bộ áo này, các cầu thủ phải thi đấu tất tần tật các giải đấu, như Giải U.22 Đông Nam Á, giải U.19 Đông Nam Á và VCK U.19 châu Á.
Cần nói rõ rằng, sau hiệp 1, các cầu thủ đều phải thay áo vì ướt đẫm mồ hôi, nên mỗi trận cầu thủ luôn phải sử dụng 2 bộ đồ thi đấu.
Áo thi đấu này, được giặt liên tục, nên rất nhanh cũ và bạc màu, vì thế chắc chắn sau 7 trận ở Giải U.22 Đông Nam Á, vài trận ở Giải U.19 Đông Nam Á, đội tuyển U.19 Việt Nam sẽ không thể giữ áo quần tươm tất tại VCK U.19 châu Á.
Người Việt Nam chúng ta thường nói, “cái ăn, cái mặc là gốc con người”, nếu không thể ra sân với bộ đồ tươm tất sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của các cầu thủ U.19 Việt Nam. Đó là chưa kể hình ảnh của Việt Nam sẽ như thế nào khi truyền hình các nước châu Á “zoom” cận cảnh những chiếc áo bạc màu của U.19 Việt Nam.
U.19 VN thiếu trang phục thi đấu - Ảnh: Quang Huy
Theo thông lệ quốc tế, ở các giải đấu cấp quốc gia, cầu thủ hai đội thường đổi áo để thể hiện sự trân trọng nhau, thế nhưng ở Giải U.22 Đông Nam Á vừa kết thúc, lúc cầu thủ đội bạn muốn đổi áo, thì cầu thủ U.19 Việt Nam lại làm lơ. Thấy mà thương cho cầu thủ vì họ ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nãn”. Không đổi áo thì xấu hổ, còn nếu đổi thì áo đâu để thi đấu trận kế tiếp, đó là chưa kể áo này phải giữ cẩn thận đến tận tháng 10.
Xin kể một câu chuyện nhỏ thế này, trước trận chung kết với U.19 Myanmar, người hâm mộ Brunei liên tục cổ vũ cho U.19 Việt Nam. Thế nhưng, gió đổi chiều bởi sau màn khởi động, cầu thủ Myanmar đã quăng áo lên các khán đài để tặng người hâm mộ, còn Việt Nam thì không. Một cử chỉ nhỏ và ý nghĩa của Myanmar, khiến khán giả Brunei quay sang cổ vũ cho họ, thế là chúng ta mất một ưu thế rất lớn từ cầu thủ thứ 12.
Đó là chưa kể đến chuyện rất đông người Việt ở Brunei chấp nhận bỏ công ăn việc làm, bị chủ trừ lương để đến sân cổ vũ cho U.19 Việt Nam. Rất nhiều người trong số đó rất muốn có chiếc áo đấu của cầu thủ mà họ yêu thích, cầu thủ U.19 Việt Nam cũng rất muốn tri ân người hâm mộ, nhưng họ lại không thể.
Chẳng lẽ, VFF nghèo đến độ, không lo cho cầu thủ đủ áo quần thi đấu cho từng giải đấu. Câu trả lời xin dành cho những người trước giờ vẫn mạnh miệng sẽ đầu tư lớn cho những niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam.
Quang Huy
>> Bài học lớn cho U.19 Việt Nam
>> HLV Guillaume: U.19 Việt Nam không thắng vì nhiều sai lầm cá nhân
>> Đông Triều thổi nến và ước nguyện U.19 Việt Nam vô địch U.22 Đông Nam Á
>> HLV U.19 Thái Lan chỉ đạo học trò chơi xấu U.19 Việt Nam
Bình luận (0)