Vì sao có 58.679 thí sinh thi rớt sát hạch giấy phép lái xe mô tô?

Thanh Nam
Thanh Nam
16/01/2024 13:06 GMT+7

Có những người điều khiển xe máy thuần thục, sử dụng phương tiện giao thông này thường xuyên. Thế nhưng khi tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô vẫn… rớt. Trong năm 2023, ở TP.HCM đã có 58.679 thí sinh rớt kỳ thi này.

Làm sai những câu "chống liệt"

Anh Nguyễn Anh Tuấn (31 tuổi), ngụ ở đường số 12, Q.Bình Tân, cho biết vào tháng 7.2023 đã tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô và kết quả là rớt.

Anh Tuấn kể rớt phần thi lý thuyết. Nội dung đề thi 25 câu. Yêu cầu phải đúng đáp án 21/25 câu. "Nhưng do tôi chủ quan, không ôn kỹ, nên chỉ đạt 19/25 câu và rớt", anh Tuấn nhớ lại.

Huỳnh Thị Anh Thư (27 tuổi), làm việc tại 36 Hoa Cúc, Q.Phú Nhuận, cũng thi rớt sát hạch giấy phép lái xe. Thư đạt yêu cầu đúng 21/25 câu nhưng trớ trêu thay lại làm sai 1 câu "chống liệt".

"Trong đề thi sẽ có khoảng 3, 4 câu là chống liệt. Không được phép sai những câu này. Chỉ cần sai câu chống liệt là bị truất quyền thi. Tôi không may mắn đưa ra đáp án sai ở câu rất dễ này và phải thi lại", Thư nói.

Chia sẻ với phóng viên, một số người đã từng thi rớt bằng hạng A1 cho hay bộ đề thi lý thuyết có trên các website, phần mềm. Trong đó có cả 8 bộ đề thi với những nội dung của 200 câu lý thuyết do Tổng Cục đường bộ Việt Nam áp dụng trong kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe A1. Tuy nhiên, phần lớn vì không dành thời gian đọc đề, ôn luyện, dẫn đến cái kết là không thể vượt qua phần thi lý thuyết.

"Những câu chống liệt rất đơn giản. Nhưng nếu bị áp lực thời gian hoặc đọc lướt qua thì dễ sai. Như tôi từng sai ở câu cuộc đua xe chỉ được thực hiện khi nào? Với những đáp án là: diễn ra trên đường phố không có người qua lại; được người dân ủng hộ; được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Lẽ ra phải chọn đáp án cuối cùng nhưng lại làm sai", chị Lê Thị Bảo An (34 tuổi), làm việc tại 36 Bùi Thị Xuân, Q.1 kể.

Vì sao có 58.679 thí sinh thi rớt sát hạch giấy phép lái xe mô tô?- Ảnh 1.

Nhiều người vì lúng túng, bị tâm lý nên để xe tắt máy, không thể hoàn thành phần thi thực hành, dẫn đến việc rớt khi tham gia kỳ thi sát hạch lái xe mô tô

THIÊN HOÀNG

Biết điều khiển xe máy hơn 15 năm vẫn rớt

Anh Hà Vân Trường (33 tuổi), làm việc tại một doanh nghiệp về du lịch, đường Tô Hiến Thành, Q.10, cho biết chạy xe máy thuần thục từ năm 16 tuổi. Vì nhiều lý do nên không sắp xếp được thời gian để thi bằng lái xe máy. Cách đây vài tháng, anh Trường tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe A1.

"Tôi đậu lý thuyết với số điểm tuyệt đối 25/25. Nhưng lại rớt thực hành", anh Trường kể. Người này cũng nói đã "ngã ngửa" với kết quả. "Bình thường điều khiển xe máy chạy lưu thông trên đường thì không sao. Nhưng bước vào thi, cảm giác có áp lực tâm lý đè nặng. Cứ phải chống chân liên tục, nên rớt", anh Trường cho hay.

Vũ Việt Hoàng, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết sử dụng xe máy từ năm lớp 10. "Kinh nghiệm đầy mình" nhưng cũng đã trải qua phần thi thực hành "một cách bất ổn".

"Trong phần thi thực hành, thí sinh phải điều khiển xe sao cho an toàn, linh hoạt và bắt buộc tuân thủ các quy tắc giao thông. Nội dung phần thi này là kiểm tra thực hành, thao tác để xe chuyển hướng, quay đầu hay điều khiển chạy đường zích zắc cùng nhiều kỹ thuật khác. Tôi vượt qua phần lý thuyết nhưng rớt thực hành, chờ thi lại", Hoàng kể.

Rất nhiều người cũng kể lại lý do thi rớt trong kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, phần lớn là vì chủ quan, những tưởng biết điều khiển xe máy lâu năm là có thể dễ dàng vượt qua. Nhưng thực tế đã ngược lại. Khi thi, thí sinh được yêu cầu không để xe tắt máy nhưng vẫn phạm lỗi này...

Theo anh Đào Thiên Hoàng, giáo viên tại Trung tâm đào tạo lái xe, Trường CĐ Giao thông vận tải T.Ư 3, cấu trúc phần lý thuyết kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2 theo quy định tại mục 2, công văn 1883/TCĐBVN-QLPT&NL năm 2022 quy định chỉ còn 25 câu, thay vì 35 câu như những năm trước.

"Nên có thể nói đề thi không khó hơn. Những câu hỏi cũng không có sự đánh đố. Cũng chẳng thể khẳng việc thi rớt nhiều là do đề thi. Có chăng, theo chia sẻ của nhiều thí sinh, họ không thoải mái, cảm thấy bị tâm lý khi thi và chưa chịu dành nhiều thời gian để ôn luyện", anh Hoàng nói.

Anh Hoàng kể: "Đối với phần thi thực hành, có thí sinh loạng quạng, không chạy theo chỉ dẫn nên bị trừ điểm. Có người thì run, chạy vòng số 8 nhưng điều khiển xe theo hướng… số 3. Thế nên cho dù có nhiều kinh nghiệm lái xe đi chăng nữa thì vào trước ngày thi cũng nên chạy thử sân để không lập cập".

Cũng theo anh Hoàng, cần phải chú trọng việc đọc, ôn luyện nội dung lý thuyết thật kỹ, thử làm các bộ đề liên tục. "Đừng tưởng đọc sơ một lần là có thể nhớ câu trả lời. Phải đọc thường xuyên. Bởi phần thi lý thuyết có nhiều nội dung: khái niệm, quy tắc, tốc độ, khoảng cách, văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái xe hoặc cấu tạo sửa chữa… Đặc biệt là học kỹ những câu chống liệt", anh Hoàng chia sẻ.

Vì sao có 58.679 thí sinh thi rớt sát hạch giấy phép lái xe mô tô?- Ảnh 2.

Vì những lý do khác nhau, không ít người đã rớt trong kỳ thi sát hạch lái xe mô tô

THANH NAM

Đừng tin vào "gói chống trượt"

Nhiều giáo viên dạy lái xe mô tô ở TP.HCM khuyến cáo thí sinh có ý định tham gia kỳ thi sát hạch bằng lái xe máy các hạng A1, A2 đừng tin vào những quảng cáo, hứa hẹn như: "bao đậu", "gói chống trượt".

"Các kỳ thi sát hạch bằng lái mô tô diễn ra rất nghiêm túc. Thí sinh đậu là nhờ thực lực. Chứ không thể có chuyện bao đậu 100%, thi giúp, hay chỉ cần đóng tiền, khỏi thi vẫn có bằng... Đừng tin vào những lời chèo kéo ấy kẻo mất tiền oan uổng", một giáo viên của Trung tâm dạy nghề giao thông vận tải Viễn Đông khuyên.

Thí sinh tham gia kỳ thi sát hạch bằng lái xe mô tô các hạng A1, A2 phải trải qua phần thi lý thuyết và thực hành. Trong đó, ở phần thi lý thuyết, đối với hạng A1, thí sinh phải trả lời đúng 21/25 câu. Hạng A2, thí sinh phải vượt qua được 23/25 câu. Và có quy định không được sai ở câu "chống liệt". Nếu sai, bị truất quyền thi sát hạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.