Hội chứng sợ lỗ (trypophobia) là gì?
"Trypophobia không giống như những nỗi ám sợ khác", Arnold Wilkins, giáo sư danh dự khoa tâm lý học tại Đại học Essex (Anh), một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về căng thẳng thị giác, nhận xét trên Health. Trong khi ám sợ thường được đặc trưng bởi triệu chứng sợ hãi, trypophobia dường như chủ yếu xoay quanh triệu chứng đặc trưng là sự ghê tởm.
Theo một đánh giá năm 2018, phụ nữ dường như có nhiều khả năng bị trypophobia. Chẩn đoán bệnh đồng mắc phổ biến nhất của nó là rối loạn trầm cảm chính và rối loạn lo âu tổng quát. Giáo sư danh dự khoa tâm lý học tại Đại học Essex (Anh) Arnold Wilkins và đồng nghiệp của ông, tiến sĩ Geoff Cole, phát hiện ra rằng khoảng 16% những người tham gia nghiên cứu có các phản ứng bị ám sợ, theo Health.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Bất lực, ghê tởm hoặc sợ hãi
- Nổi da gà, ngứa da hoặc cảm thấy da lâm râm
- Chóng mặt, run rẩy, khó thở
- Đổ mồ hôi, nhịp tim đập nhanh
- Nhức đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Tại sao lại sợ những cái lỗ?
Vào năm 2013, Arnold Wilkins và Geoff Cole xuất bản một bài báo nêu quan điểm cho rằng ám sợ lỗ có thể là kết quả của một đặc điểm thị giác cụ thể được tìm thấy ở các động vật mang độc, kích hoạt một số phần tiến hóa của não, gây hoảng hốt.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kent (Anh) đã đưa ra một lý thuyết khác để giải thích cảm giác khó chịu mà một số người gặp phải khi quan sát các mẫu lỗ. Họ cho rằng đó là một phản ứng tiến hóa đối với các kích thích báo hiệu sự hiện diện của ký sinh trùng và bệnh truyền nhiễm. Nói cách khác, ám sợ lỗ là ghê sợ ký sinh trùng và các bệnh tạo ra cụm hình dạng tròn chẳng hạn như sởi, rubella, ban đỏ, đậu mùa, ve và ghẻ.
Đây là phản ứng thích nghi thông thường nhưng những người mắc chứng trypophobia thì phải trải nghiệm "phiên bản phóng đại và quá mức" của nó, theo Health.
Điều trị trypophobia?
Không có cách điều trị cụ thể và tuyệt đối với ám sợ lỗ. Nhưng các chuyên gia và nhà trị liệu có nhiều cách để giúp những người mắc trypophobia giảm triệu chứng, theo Health:
- Liệu pháp phơi nhiễm (tiếp xúc): Cho người bệnh tiếp xúc dần dần với đối tượng họ sợ hãi với lộ trình nhất định. Theo thời gian, những triệu chứng sẽ giảm bớt.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: Bệnh nhân làm việc với nhà trị liệu để "thay đổi" suy nghĩ và hành vi có thể gây ra chứng sợ hãi.
- Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu có thể giúp làm giảm sự ghê tởm, sợ hãi hoặc lo lắng gây ra bởi chứng ám sợ.
- Thuốc điều trị trầm cảm hoặc lo lắng cũng có thể làm giảm các triệu chứng.
Bình luận (0)