Theo tờ New York Times ngày 17.5, ngày càng có nhiều người trẻ ở Mỹ đeo máy trợ thính. Ayla Wing (26 tuổi), ở New York) là giáo viên, cô thường xuyên đeo máy trợ thính trong lúc giảng dạy. Điều này khiến các học sinh của Ayla Wing hay nhận xét: "Bà của em cũng có chúng".
Ayla Wing cho biết thiết bị trợ thính đang đeo có thể kết nối với Bluetooth, chuyển đổi giữa các cài đặt tùy chọn bằng một lần chạm. Cô gái có thể dùng nó để tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, như trên chuyến tàu điện ngầm ồn ào hay trong bar với tiếng nhạc bật ầm ĩ.
Thời gian gần đây, máy trợ thính là mặt hàng được tung ra thị trường Mỹ khá nhiều, thu hút đông đảo nhóm khách hàng trẻ tuổi. Các cuyên gia cho rằng lý do đến từ 2 yếu tố: các vấn đề về thính giác xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn và xu hướng mua sắm thiết bị âm thanh công nghệ đắt tiền cho đôi tai.
Thông thường, để đeo số máy trợ thính kiểu mới phải cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn. Tuy nhiên vào năm 2022, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã mở cửa thị trường, cho phép bán máy trợ thính không cần chỉ định. Một số thương hiệu chuyên về âm thanh đã nhanh chóng tung sản phẩm mới cho phân khúc này, với thiết kế và tính năng thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi. Chẳng hạn như Pete Bilzerian (25 tuổi), ở Virginia cho biết đeo máy trợ thính từ năm 7 tuổi.
Các chuyên gia nhận định, những người trẻ như Bilzerian đang tìm đến những thứ giúp họ chống tiếng ồn là điều dễ hiểu. Bởi lẽ theo ước tính gần đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có khoảng 1/5 người Mỹ ở độ tuổi 30 bị tổn thương thính giác do ô nhiễm âm thanh. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn một tỷ thanh niên trên toàn cầu có nguy cơ bị mất thính lực do tiếng ồn.
Theo tờ New York Times, rất khó xác định chính xác số lượng thanh niên cần hoặc phải sử dụng máy trợ thính, nhưng cả nhà sản xuất thiết bị và chuyên gia y tế ở Mỹ đều tin rằng nhu cầu đang tăng lên.
Thông tin từ nhà sản xuất hàng đầu ở mảng này là thương hiệu Phonak, cho biết số lượng người Mỹ trong độ tuổi từ 22 đến 54 chi tiền cho máy trợ thính đã tăng 14% trong giai đoạn 2017-2021, so với mức tăng của người dùng ở mọi lứa tuổi khác.
"Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều thanh niên có ý thức bảo vệ đôi tai hơn", bác sĩ Catherine Palmer, Giám đốc khoa Thính học tại Trung tâm y tế ĐH Pittsburgh, nhận xét.
Bình luận (0)