Điệp khúc "một mình"
Nếu đến các rạp chiếu phim, dù là của hệ thống CGV, Beta, Galaxy hay Cinestar, Lotte... đều không khó thấy hình ảnh những người trẻ tìm đến xem phim chỉ một mình cô đơn và lẻ loi.
"Cả năm nay, mỗi khi phim Việt Nam ra là mình đều đi xem ủng hộ điện ảnh nước nhà. Có điều, 6, 7 lần đi xem phim thì lần nào cũng chỉ đi một mình", Trần Mỹ Như Liên, sinh viên Trường ĐH Văn Lang kể.
Không riêng gì Liên, có những cô gái, chàng trai cũng có thói quen tương tự. Chỉ một thân một mình đến rạp chiếu phim, một mình mua vé, một mình tận hưởng những phút giây phim chiếu trên màn hình mà bên cạnh chẳng có bạn bè hay người thân.
"Ngày trước có người yêu thì cả hai cùng đi xem phim. Sau khi chia tay thì mình chỉ đi xem phim một mình. Xem phim một mình cũng có cái hay riêng, có sự thú vị riêng mà khi trải nghiệm mới hiểu được", Nguyễn Đặng Bảo Yến (31 tuổi), ở 347/28 đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết.
Đỗ Thành Việt (26 tuổi), nhân viên Công ty Zitahima, TP.Thủ Đức, TP.HCM, thì cho rằng muốn đi xem phim cùng bạn bè, đồng nghiệp không phải dễ. Vì để có một khung giờ phù hợp với mọi người, để ai cũng rảnh rỗi, không vướng bận thì khá khó khăn. "Nên nhiều lần rủ cả nhóm đồng nghiệp đi xem phim đều phải hoãn vào giờ cuối. Có khi người này rảnh thì người kia bận. Từ đó, mình ngại rủ người khác. Chỉ thích đi xem phim một mình", Việt chia sẻ.
Việt cũng nói, nếu đi xem phim một mình có thể tự mình quyết định: xem phim gì, xem ở rạp nào, xem khung giờ nào cũng như muốn ngồi vị trí nào cũng được mà không cần hỏi ý kiến người khác.
Trong số 15 người trẻ được hỏi, cả 15/15 người đều cho biết đã từng ít nhất một lần đi xem phim một mình.
"Không thể phủ nhận đi xem phim cùng bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, người thân sẽ rất vui vì có người bên cạnh đi chung. Thế nhưng, xem phim một mình cũng chẳng sao cả, chẳng có gì phải buồn. Ngược lại có những cái hay, khám phá được những điều mới mẻ mà nếu đi chung với người khác sẽ không nhận ra được", Trần Thành Văn, ở 6/5 đường Lê Đình Quản, TP.Thủ Đức, TP.HCM, nói.
Những khoảng lặng thú vị
Cũng theo Văn, nếu đi xem phim cùng người khác, khi chưa rõ về một tình huống phim có thể trao đổi cùng người bên cạnh. Hoặc có thể cùng nhau đoán cái kết của phim... "Nhưng chính những phút vui trò chuyện như vậy cũng ảnh hưởng đến sự tập trung. Nếu chỉ có một mình sẽ không xao nhãng mà có sự tập trung hơn dành cho phim", Văn nói thêm.
Cô gái Nguyễn Đặng Bảo Yến cho rằng với sự nhạy cảm của bản thân, có thể rơi nước mắt, bật khóc khi xem phim những cảnh xúc động, những tình tiết nói về tình cảm cha mẹ với con cái... "Nếu đi xem với người khác, chẳng hạn đồng nghiệp, thì có lẽ cũng phải tiết chế. Nhưng nếu chỉ một mình, mình có thể khóc, có thể sống đúng với cảm xúc lúc đó mà không lo sợ bị chê: "lố quá mầy ơi", "ố dè quá vậy" hay bị chọc quê: "chỉ có vậy mà cũng khóc", "đúng là đồ mít ướt"...
Cũng theo những người trẻ, việc đi xem phim một mình chính là tự tạo cho mình những khoảng lặng thú vị. Để tự tập cho bản thân cách sống không phụ thuộc vào người khác.
"Một bộ phim hay vừa ra mắt, bản thân muốn thưởng thức. Nhưng rủ bạn bè, có người bận việc gia đình, có người bận việc công ty, không thể nào có thời gian rảnh. Nếu có tâm lý bị phụ thuộc vào người khác, thì trong trường hợp ấy sẽ phải "nhịn" xem phim hoặc đợi khi bạn bè rảnh mới có thể đi cùng. Còn khi coi sự cô đơn là lẽ thường tình, thì có thể diện váy áo, "lên đồ", đến rạp xem phim và tận hưởng", Nguyễn Quang Đại, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Bình luận (0)