Vì sao có phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
30/08/2023 18:47 GMT+7

Tại buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", ban tổ chức đã tiết lộ lý do tổ chức hoạt động này, cũng như những điều thú vị của "phiên họp" lần đầu tiên được triển khai.

Chiều 30.8, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023. 

Cuộc gặp có sự chủ trì của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Vũ Minh Đạo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Vì sao có Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'? - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí

NGUYỆT ÁNH

Trẻ em đóng vai bộ trưởng

Thông tin về phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 1, năm 2023, anh Lê Hải Long cho biết, chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hà Nội từ ngày 9 - 10.9. Các đại biểu sẽ được đóng vai chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội và các bộ trưởng, đại biểu Quốc hội... trình bày suy nghĩ, nguyện vọng của trẻ em, đồng thời đưa ra các kiến nghị để được giải quyết.

Tham gia phiên họp giả định có 326 đại biểu, gồm: 263 đại biểu thiếu nhi và 63 đại biểu phụ trách. Đại biểu sẽ được họp tại Hội trường Diên Hồng, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vì sao có Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'? - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ báo chí

NGUYỆT ÁNH

 Phiên toàn thể phiên họp giả định do trẻ em điều hành về 2 chủ đề: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Trước khi diễn ra phiên họp giả định, các đại biểu nghe giới thiệu về vị trí, vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; kỹ năng, cách thức sử dụng trang thiết bị tương tác tại Tòa nhà Quốc hội. Đại biểu được chia tổ thảo luận và được ban cố vấn; tình nguyện viên, tập huấn cho các trẻ em nòng cốt điều hành và trình bày tại phiên chính thức.

Thông tin về công tác tổ chức, anh Lê Hải Long cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp giả định, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố có mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kỳ họp hội đồng trẻ em theo 2 chủ đề của phiên họp và gửi báo cáo kết quả kỳ họp về T.Ư Đoàn. 

T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã xây dựng bộ câu hỏi và triển khai khảo sát ý kiến của trẻ em về 2 chủ đề tại phiên họp với các nội dung xoay quanh thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của các vấn đề bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 40.000 lượt trẻ em tham gia trả lời khảo sát.

Xây dựng mô hình hoạt động mới

Trả lời Thanh Niên về việc tổ chức chương trình, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, thực hiện luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 1, năm 2023.

Vì sao có Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'? - Ảnh 3.

Các đại biểu trẻ em sẽ tham gia phiên họp chia sẻ cảm xúc tại chương trình

NGUYỆT ÁNH

Chương trình là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cấp T.Ư để triển khai Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027", được T.Ư Đoàn ban hành vào ngày 8.8.2023; nhằm xây dựng mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

"Chương trình cũng tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Hoạt động này cũng giúp các em được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội", chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang, chương trình cũng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Chị Trang cũng cho biết, các em là những thiếu nhi tiêu biểu ở các cấp học, các vùng miền và các đối tượng, trong đó có những em từng là nạn nhân của bạo hành; có em bị khuyết tật… để thể hiện đầy đủ tiếng nói của trẻ em.

"Thông qua các ý kiến của trẻ em và sự đóng vai giải quyết chính những vấn đề của mình, ban tổ chức mong muốn đây là sự đề xuất giải pháp của các em, để các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình", chị Trang cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.