Ngày 7.8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức gặp gỡ trẻ em tham dự Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7, năm 2023, với sự chủ trì của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; ông Vũ Vĩnh Nam, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH.
Làm sao để bảo vệ bản thân?
Buổi gặp có 73 trẻ em, đại diện 188 trẻ em ở 43 tỉnh, thành phố tham dự Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7. Tại đây, các em đã trình bày những thông tin quan tâm, trong đó nổi bật nhất là việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo báo cáo đã được các em thảo luận và đưa ra kiến nghị, hiện trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều từ mạng xã hội, trong đó có bạo lực ngôn từ, tạo ra những quan điểm sai lệch và ảnh hưởng đến tâm lý.
Bên cạnh đó là những hành vi lừa đảo, đe dọa trẻ em. Đặc biệt là tình trạng quấy rối, xâm hại trẻ em. Các em bị gửi đến những thông tin không phù hợp, truyền bá những văn hóa phẩm đồi trụy… Tuy nhiên, nhiều bạn không dám lên tiếng, dẫn đến bị xâm hại.
Một trẻ em khuyết tật cho biết, khi tìm kiếm thông tin trên mạng, thường xuất hiện những thông tin xấu, độc. Trong khi đó, nhiều bạn, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay những bạn khuyết tật, rất khó để tiếp cận được những thông tin lành mạnh.
“Tổ chức Đoàn, Hội đồng Đội có hoạt động nào giúp đỡ trẻ em có kiến thức bảo vệ bản thân?”, bạn Tuyết Anh, đoàn Đồng Tháp, đặt câu hỏi. Bạn Quỳnh Anh ở đoàn Lào Cai cũng hỏi: “Làm sao để trẻ em ổn định tâm lý khi bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu trên mạng?”.
Đồng thời, các em cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường, tình trạng đuối nước và trẻ em dân tộc thiểu số phải bỏ học vì khó khăn.
Nhiều em chia sẻ những băn khoăn của bản thân, về khó khăn khi bày tỏ cảm xúc của mình. Bạn Nguyễn Ngọc Tường Vy (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Ở lứa tuổi dậy thì, một số bạn gặp vấn đề trong cuộc sống thì bị rối loạn cảm xúc, có khi hỗn láo và bị xem là bất kính với bố mẹ. Đây là thực trạng khá nguy hiểm, nhưng khá khó nói, không biết tâm sự với ai".
Có bạn còn đặt vấn đề: “Hiện nhiều phụ huynh dạy con cháu theo quan điểm xưa, kiểu "yêu cho roi cho vọt" và cho rằng lì lợm nên phải đánh. Vậy, phương pháp này có phù hợp nữa không?”
Nhiều giải pháp sáng tạo
Tại buổi gặp, các em đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp đối với tổ chức Đoàn, Hội như: tạo sân chơi trên mạng và sản phẩm truyền thông, mời người nổi tiếng chia sẻ để giáo dục truyền thống cho các em; mời chuyên gia tâm lý nói chuyện để các em có thêm kỹ năng tương tác an toàn.
Các em cũng đề xuất, tổ chức Đoàn, Đội cần tổ chức các cuộc thi trên mạng về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tổ chức các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, sân khấu hóa hấp dẫn, thú vị, mang tính giáo dục tại nhà trường và ở cộng đồng, đảm bảo trẻ khuyết tật có thể tham gia, để trẻ em có môi trường lành mạnh.
“Cần có một fanpage ở trên mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ về kiến thức, ngăn ngừa hành vi xấu. Trong đó, thành viên nhóm sẽ gồm cả trẻ em và phụ huynh, Đoàn Thanh niên. Tổ chức Đoàn, Hội cần phối hợp với nhà trường, thúc đẩy chương trình đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em về an toàn trên môi trường mạng; tổ chức tập huấn, hội thảo về an toàn trên môi trường mạng…”, đại diện các đại biểu trẻ em đề xuất.
Đặc biệt, các em đưa ra giải pháp thành lập câu lạc bộ Chiến thần bảo vệ trẻ em, do các em tham gia để thu thập thông tin và chia sẻ tư vấn cho những vấn đề trẻ em gặp phải trong cuộc sống.
Tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em
Trả lời các câu hỏi và đề xuất của các em, anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư, cho biết hiện môi trường mạng có nhiều thứ không an toàn. T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội đã và đang làm nhiều việc, quyết tâm để có được những điều tốt nhất cho các em.
“Tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để trang bị kỹ năng cho các em. Đặc biệt là việc tổ chức các chương trình như: Thiếu nhi rèn luyện tốt, rèn luyện chăm; Tuổi trẻ Việt Nam rèn đức luyện tài…, giúp các em vừa nâng cao kỹ năng vừa rèn luyện sức khỏe thể chất”, anh Long cho biết.
Theo anh Long, các em đang phát triển cả thể chất và tinh thần, vì thế không nên tiếp xúc quá nhiều với môi trường mạng. Cần ra sân chơi thực tế để có sức khỏe thể chất, tinh thần.
“Nên hạn chế tham gia mạng xã hội vì nhiều thông tin xấu, độc dẫn đến bị lừa đảo, xâm hại. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và chia sẻ với giáo viên, tổng phụ trách, phụ huynh để có giải pháp”, anh Long nói.
Chia sẻ tại buổi gặp, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, rất vui mừng, tự hào vì được gặp và lắng nghe tâm tự, nguyện vọng của các em. Chị Trang cho rằng, các em đã rất mạnh dạn, tự tin, không chỉ kiến nghị mà còn thể hiện trách nhiệm, khát vọng của mình, bằng việc đưa ra các giải pháp và tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình.
Việc các em đề xuất thành lập câu lạc bộ Những chiến thần bảo vệ trẻ em sẽ được tổ chức Đoàn, Đội tạo mọi điều kiện, đồng hành để triển khai. "Hy vọng các bạn thực hiện được, và chính các em tham gia diễn đàn là nòng cốt để triển khai và sẽ mở rộng hơn nữa”, chị Trang nói.
Đồng thời, chị Trang cho biết, thời gian qua, tổ chức Đoàn, Đội đã có nhiều chương trình, sân chơi, diễn đàn cho các em và luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em. Tuy nhiên, để các em được chăm lo, bảo vệ tốt hơn, thì chính các em phải chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ, thầy cô, các anh chị tổng phụ trách.
“Các em phải hành động, phải là những chiến binh dũng cảm trong việc bảo vệ trẻ em và bảo vệ chính mình. Tổ chức Đoàn, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, giúp các em có được môi trường tốt nhất, an toàn, lành mạnh nhất để phát triển toàn diện”, chị Trang khẳng định.
Bình luận (0)