Vì sao có thế mạnh 'trời cho' mà vận tải thủy vẫn lẹt đẹt xếp chót?

22/03/2024 15:41 GMT+7

Đó là câu hỏi mà tư lệnh ngành GTVT đặt ra tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa do Bộ GTVT tổ chức chiều nay (22.3).

Vì sao có thế mạnh 'trời cho' mà vận tải thủy vẫn lẹt đẹt xếp chót?- Ảnh 1.

Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới

N.A

Báo cáo tổng quan tại hội nghị, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết hệ thống hàng hải của Việt Nam gồm 4 cảng biển; 296 bến cảng, sản lượng hàng hóa thông qua năm 2023 đạt 762 triệu tấn, tăng 5%; hàng container năm 2023 thông qua đạt 24,76 triệu teu, tương đương năm 2022.

Theo thống kê của Lloyd's List, trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TP.HCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, Cảng Cái Mép Thị Vải đứng thứ 32.

Tính đến 2023, Việt Nam có đội tàu biển bao gồm 1.447 tàu (trong đó tàu vận tải có 1.015 tàu). Tổng trọng tải 10,7 triệu, tổng GT 6,4 triệu. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN và thứ 27 thế giới. Trong giai đoạn từ 2016 - 2022, đội tàu Việt Nam đã có sự phát triển nhanh, tổng trọng tải tăng 42%(từ 7,58 lên 10,7 triệu). Đội tàu biển Việt Nam đảm nhận 100% sản lượng nội địa và 6 - 8% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỷ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ, trong khi xu thế thế giới ngày càng dùng tàu trọng tải lớn và container hóa.

Đáng nói, hiện nay có 40 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận tới trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Vận tải hàng hóa trên thế giới tập trung vào một số hãng tàu lớn, như MSC, Evergreen, Cosco...

Vì sao có thế mạnh 'trời cho' mà vận tải thủy vẫn lẹt đẹt xếp chót?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị

T.L

Theo ông Trần Bảo Ngọc, ngành hàng hải, vận thủy nội địa của Việt Nam có những lợi thế lớn như đường ven biển dài, hệ thống mạng lưới đường thủy nội địa dày đặc kết nối giữa các trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm với các của biển, ven biển. Cùng với đó, lưu lượng đội tàu có số lượng và trọng tải đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu dự báo vận tải, hàng hóa đối với sự phát triển, tăng trưởng kinh tế xã hội trong tình hình mới. Về chi phí vận tải, vận tải đường biển và đường thủy là loại hình có chi phí vận tải rẻ nhất.

Sau khi nghe báo cáo từ Vụ Vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ rất trăn trở khi Việt Nam có thế mạnh trời cho về chiều dài bờ biển, gắn với rất nhiều cảng biển lớn, đa dạng trải từ đầu đến cuối đất nước. Hệ thống đường thủy nội địa cũng được "trời cho" trải dài ở cả 3 miền, song những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, thị phần vận tải hiện nay rất đáng quan ngại. Đường bộ vẫn "thống lĩnh" với tỷ trọng vận tải hành khách gần như chiếm tuyệt đối, vận tải hàng hóa chiếm tới gần 80%. Các hãng tàu nước ngoài thì chiếm tới trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. 

"Với tất cả những lợi thế mà chúng ta đang có, ngành giao thông mong muốn thời gian tới phải nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng vận tải đường biển ven bờ và đường thủy nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất, tối thiểu chiếm tới 50% càng nhanh càng tốt. Chúng ta vẫn biết nếu nâng được tỷ trọng hàng hóa bằng đường biển thì sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Quan trọng nhất là giảm được tai nạn giao thông giảm được số người chết và bị thương. Đây là điều Bộ GTVT rất trăn trở và mong nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp, Hiệp hội, các địa phương, đề xuất các giải pháp thiết thực, hành động thiết thực để tận dụng các lợi thế trời cho mà chúng ta đang sở hữu" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Hội nghị đang tiếp tục lắng nghe ý kiến từ 300 đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.