Tính đến tháng 5.2022, chỉ có 274 trong tổng số 2.322 giảng viên của ĐH Tokyo là nữ. Trong thông báo ngày 25.11, ĐH Tokyo tuyên bố sẽ tuyển 141 nữ giảng viên mới trong vòng 5 năm tới nhằm nâng tổng số nữ giảng viên lên hơn 400 người, theo tờ Japan Times.
Bên cạnh đó, ĐH hàng đầu Nhật Bản tuyên bố tăng tỷ lệ phụ nữ ở các khoa, bao gồm giảng viên và trợ giảng, từ mức hiện tại 16% lên 25% hoặc hơn trong 5 năm tới bằng cách tạo việc làm mới, ưu tiên tuyển dụng phụ nữ.
Dù vậy, mục tiêu 25% kể trên của ĐH Tokyo vẫn thấp hơn mức 30% tại các ĐH ở Nhật Bản nói chung; và thấp hơn mức trung bình 45% tại những quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bên ngoài ĐH Tokyo, Nhật Bản |
REUTERS |
Tại ĐH Tokyo, mỗi khoa chịu trách nhiệm tuyển dụng giảng viên. Nhà trường sẽ rót ngân sách cao hơn cho những khoa tuyển dụng được nhiều nữ giảng viên và cân nhắc chỉ tuyển phụ nữ.
Bản kế hoạch của ĐH Tokyo cũng đặt mục tiêu phụ nữ chiếm 30% số lượng sinh viên.
ĐH Tokyo kỳ vọng đạt được mục tiêu kể trên sẽ thúc đẩy sự đa dạng trong giảng đường để tăng cường chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy sự đa dạng ở giảng đường bằng cách tăng cường tuyển dụng nữ giảng viên và tuyển sinh nữ sinh viên lần đầu tiên kể từ khi trường được thành lập”, theo thông báo của ĐH Tokyo.
Theo tờ Nikkei Asia, hiếm khi một ĐH đưa ra một mục tiêu cụ thể như vậy và đây chỉ là một trong số những nỗ lực nhằm thu hẹp bất bình đẳng giới ở Nhật Bản.
Dù là một xã hội tiên tiến về nhiều mặt nhưng Nhật Bản thua xa về bình đẳng giới so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác và những nước láng giềng châu Á.
Cụ thể, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 120 trong số 153 quốc gia, vùng lãnh thổ về bình đẳng giới, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Bình luận (0)