Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất thí điểm bổ nhiệm GS, PGS?

Hà Ánh
Hà Ánh
14/06/2024 20:55 GMT+7

Lần đầu tiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất cho phép thí điểm bổ nhiệm các chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) và trợ lý GS.

Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất thí điểm bổ nhiệm GS, PGS?- Ảnh 1.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước tại phiên họp lần thứ 10 nhiệm kỳ 2018-2023

HUY HUY

Thông tin này được chia sẻ trong tọa đàm "Pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và đề xuất cơ chế thí điểm cho ĐH Quốc gia TP.HCM" diễn ra tuần này. Tọa đàm có sự tham dự của gần 40 nhà khoa học đầu ngành và các nhà khoa học trẻ của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tại tọa đàm, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đơn vị này đã trình Thủ tướng Chính phủ về chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Thủ tướng một số chính sách vượt trội để đạt được mục tiêu trở thành ĐH trong nhóm hàng đầu châu Á. Đặc biệt là đề xuất cho phép ĐH này thí điểm bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và trợ lý GS. Việc thí điểm này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, tức các nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Lý giải đề xuất trên, PGS Vũ Hải Quân cho rằng: "Nếu không có cơ chế đột phá này chúng ta rất khó tuyển dụng được các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM". Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết Trung Quốc hiện đã giao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho 8 trường ĐH tốp đầu ở Bắc Kinh, Thượng Hải.

Trong tọa đàm, đại diện Ban Thanh tra-Pháp chế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết hiện nay các quy định pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, quy trình xét công nhận thông qua 3 hội đồng khá phức tạp với nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính.

Tiêu chuẩn xét duyệt hiện hành còn một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn như: yêu cầu thời gian tham gia giảng dạy khá dài; Việc tính điểm công trình theo số lượng bài báo khoa học, số lượng tác giả còn nhiều điểm bất hợp lý; Chưa quan tâm nhiều đến yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó là chưa định lượng một số tiêu chí khoa học theo thông lệ quốc tế như: kinh phí đề tài, dự án mà ứng viên mang về cho đơn vị…

Đại diện Ban Thanh tra-Pháp chế nhấn mạnh cách làm như hiện nay khiến các cơ sở giáo dục ở thế bị động trong chiến lược phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới. Có ngành chưa có trong danh mục của hội đồng ngành, như ngành khoa học-công nghệ vật liệu. Một số ngành truyền thống có nguy cơ không còn GS đầu ngành. Ở khía cạnh khác, việc phụ thuộc vào số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế dẫn đến xu hướng thương mại hóa công tác xuất bản, các tạp chí "săn mồi" xuất hiện ngày càng nhiều, làm méo mó và giảm sút niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng từng có quy định tự bổ nhiệm GS

Trường ĐH Tôn Đức Thắng từng ban hành quy định về "Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng" ngày 8.7.2015. Đối tượng bổ nhiệm là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên. Theo lý giải của đại diện nhà trường thời điểm đó, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS của nhà trường không phải là phong học hàm như quy định của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. Đây chỉ là việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Việc Nhà nước phong học hàm thì trường nào cũng chấp nhận. Riêng GS, phó GS do trường bổ nhiệm chỉ gói gọn trong trường, giới hạn thời gian làm việc với trường. Đây không phải là chức danh, học hàm được hưởng ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Đề xuất thí điểm theo hướng nào?

Cũng trong tọa đàm, đại diện Ban Thanh tra-Pháp chế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất cụ thể về cơ chế thí điểm đặc thù cho ĐH Quốc gia TP.HCM trong thí điểm bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và trợ lý GS. Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định cơ chế thí điểm đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Đó là: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục ĐH trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học. Cơ chế này sẽ thí điểm trong 5 năm và áp dụng trong phạm vi nội bộ ĐH Quốc gia TP.HCM. Khi rời ĐH này, các nhà khoa học sẽ không còn chức danh GS, PGS.

Về tiêu chuẩn GS, PGS sẽ bám theo Quyết định số 37 nhưng linh động hơn, uyển chuyển hơn, thậm chí bổ sung một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như: đóng góp về tài chính cho đơn vị, về chính sách cho cộng đồng; tham gia các mạng lưới khoa học trong nước và quốc tế.

Về hội đồng xét công nhận, chỉ nên có 1 hội đồng để xét duyệt là Hội đồng Giáo sư cấp ĐH Quốc gia TP.HCM. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định thành lập Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TP.HCM; bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký và các phó chủ tịch theo đề nghị của Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chủ tịch Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ ký quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên. Trường ĐH thành viên hoặc các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai việc bổ nhiệm. Đối với hồ sơ xét duyệt, các ứng viên chỉ cần nộp hồ sơ điện tử và chỉ nộp báo cáo tổng hồ sơ, mục lục chi tiết, vị trí lưu trữ minh chứng trên hồ sơ điện tử. ĐH này sẽ sử dụng ngân sách của mình để thực hiện toàn bộ quá trình xét và công nhận các chức danh GS, PGS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.