Trao đổi với Thanh Niên về việc một số tỉnh ĐBSCL khiếu nại kết quả chấm thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết:
- Sau khi các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp có kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về điểm môn Văn thấp bất thường, đoàn thanh tra của Bộ đã bắt đầu tiến hành công tác thẩm tra từ ngày 20.6. Do tổ chức chấm chéo nên việc thẩm tra cũng được tiến hành song song với từng cặp chấm theo phân công của Bộ GD-ĐT. Cụ thể: Vĩnh Long chấm cho An Giang; An Giang chấm cho Kiên Giang; Bến Tre chấm cho Đồng Tháp. Hiện nay, công việc này vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Chúng tôi phải thanh tra hết sức chặt chẽ, kết luận đưa ra phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn để cả địa phương chấm thi lẫn địa phương có bài thi đồng tình.
* Qua kiểm tra, Bộ GD-ĐT có yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi môn Văn của những tỉnh này không, thưa ông?
- Chắc chắn không có việc chấm lại toàn bộ bài thi môn Văn của những tỉnh này, chúng tôi chỉ tiến hành chấm thẩm định một số lượng bài thi nhất định là có thể khẳng định được việc chấm thi có nghiêm túc, khách quan và chặt chẽ hay chưa.
|
||||
|
* Có ý kiến giải thích rằng sở dĩ điểm môn Văn của các tỉnh thấp là do đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra quá chi tiết. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh (TS), năm nay trong hướng dẫn chấm thi gửi về các sở, chúng tôi đưa ra một khung điểm rất chi tiết. Tuy nhiên chi tiết không có nghĩa là mất đi sự sáng tạo, nhất là với một môn đặc thù như môn Văn. Hướng dẫn đã ghi rõ, để đạt được điểm tối đa, TS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải nêu đủ ý, diễn đạt rõ ràng, như thế cũng có nghĩa là chúng tôi đánh giá cả về nội dung lẫn kỹ năng của TS chứ không phải chỉ đếm ý cho điểm. Chúng tôi đã chỉ đạo các giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, nắm vững các yêu cầu của hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của TS, tránh cách chấm đếm ý cho điểm. Chỉ đạo của Bộ thế nào, các giám khảo cứ làm như thế. Trong và sau khi công bố môn thi, ngoài những tỉnh trên, chúng tôi cũng không nhận được sự phản hồi nào về việc đáp án quá chi tiết khiến điểm môn Văn bị thấp cả.
* Việc kiểm tra công tác chấm thi kéo dài như vậy có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của TS những tỉnh này không?
- Quyền lợi của TS hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì cả, các địa phương cũng đã công bố điểm thi tốt nghiệp tạm thời cho TS. Bất cứ TS nào cảm thấy điểm thi của mình là thiệt thòi và chưa phản ánh đúng kết quả bài làm của mình thì đều có quyền được làm đơn xin phúc khảo. Điều kiện phúc khảo là bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 2,0 điểm trở lên.
“Chấm thi môn Văn có đặc thù riêng biệt, không giống như chấm các môn học khác nên quan điểm của người chấm là đặc biệt quan trọng. Nếu người chấm cứ nhất nhất rập khuôn theo đáp án, ở câu hỏi, học sinh phải trả lời được đúng từng câu, từng chữ so với đáp án thì mới cho điểm thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng điểm thấp. Người chấm cần phải hiểu cách diễn đạt của học sinh, dù không dùng những từ ngữ trực tiếp nhưng học sinh đã có ý tưởng “chạm” đến được nội dung mà đáp án đưa ra thì cũng cần chấm điểm phần bài làm ấy. Điểm thi môn Văn thấp, tôi cho rằng nguyên nhân đáng buồn là do hậu quả của việc phần lớn học sinh không thích học môn Văn” - (Bà Bà Thanh - Giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội) Tuệ Nguyễn – Q.M.Nhật (ghi) |
Tuệ Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0)