Xét xử vụ "chuyến bay giải cứu":

Vì sao doanh nghiệp phải 'rồng rắn' hối lộ cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế?

13/07/2023 18:41 GMT+7

Chỉ là thư ký thứ trưởng Bộ Y tế với nhiệm vụ đơn giản là trình văn bản cho cấp trên ký, vì sao các doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu" phải "rồng rắn" đến gặp và đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên?

Chiều 13.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”. Sau khi kết thúc lượt thẩm vấn của hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát tham gia xét hỏi các bị cáo, trong số này có Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế.

Giám đốc vụ 'chuyến bay giải cứu' tố ông Phạm Trung Kiên ép đưa hối lộ

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, dù không phải là bị cáo giữ chức vụ cao nhất nhưng Kiên lại là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, lên tới 253 lần, với tổng cộng 42,6 tỉ đồng.

Vì sao doanh nghiệp phải 'rồng rắn' hối lộ cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế? - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế

TRẦN PHAN

Chỉ là người trình văn bản, vì sao doanh nghiệp phải hối lộ?

Trả lời đại diện viện kiểm sát, Phạm Trung Kiên thừa nhận đã nhận hối lộ nhiều lần từ nhiều doanh nghiệp, với tổng số 42,6 tỉ đồng như cáo trạng truy tố. Trong số này, một vài doanh nghiệp có quen biết với Kiên từ trước, còn lại chủ yếu là khi phát sinh công việc liên quan đến tổ chức chuyến bay thì họ mới liên hệ để nhờ Kiên hỗ trợ, giúp đỡ.

“Giúp đỡ như thế nào?”, đại diện viện kiểm sát hỏi. Kiên cho biết giúp như nội dung bản cáo trạng đã thể hiện, bao gồm các chuyến bay combo và các trường hợp khách lẻ.

Theo lời của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng rồi trình lãnh đạo Bộ Y tế ký duyệt. Sau khi lãnh đạo bộ xét duyệt xong, Kiên trả hồ sơ để văn phòng bộ phát hành, hoặc chuyển cho Cục Y tế dự phòng sửa chữa.

Xem nhanh 20h ngày 14.7: Cựu thư ký thứ trưởng ám ảnh án tử hình

“Nếu chỉ đơn giản là nhận từ lãnh đạo bộ cho tới Cục Y tế dự phòng để đưa cho văn thư phát hành, việc gì doanh nghiệp phải đến với bị cáo?”, kiểm sát viên truy vấn. Kiên nói, có lẽ các doanh nghiệp tin rằng bị cáo giúp được họ để xử lý công việc nhanh hơn.

Đại diện viện kiểm sát tiếp tục hỏi Kiên, rằng đơn vị nào ở Bộ Y tế được giao trực tiếp tham mưu việc xét duyệt chuyến bay. Kiên cho biết đó là Cục Y tế dự phòng.

“Vậy doanh nghiệp phải đến cục chứ đến bị cáo làm gì?”, kiểm sát viên đặt vấn đề. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nói “cái đấy bị cáo không rõ”.

Sau câu trả lời của Kiên, đại diện viện kiểm sát nhận định bị cáo chưa thực sự thành khẩn và chưa nhận ra sai lầm của bản thân, “bị cáo nên suy nghĩ lại về việc đó”.

“Người Việt Nam mình sang nước ngoài chủ yếu là lao động, du học sinh, thu nhập không thể bằng nước sở tại được. Nước sở tại khi dịch bùng ra đương nhiên người ta ưu tiên công dân của người ta, còn công dân của mình thì làm sao có tiền để chi phí theo như mức thu nhập ở nước đó. Đó là lý do tại sao Nhà nước có những chuyến bay như vậy. Bị cáo làm trong Bộ Y tế mà lại có hành động như vậy thì rất đáng lên án, bị cáo phải suy nghĩ lại về hành động của mình, về nhận thức của mình”, kiểm sát viên phân tích.

Vì sao doanh nghiệp phải 'rồng rắn' hối lộ cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế? - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Nhận hối lộ, mang tiền về cho vợ

Tiếp tục thẩm vấn Phạm Trung Kiên, đại diện viện kiểm sát hỏi số tiền nhận từ doanh nghiệp bị cáo có nói cho ai biết hay không. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế trả lời rằng không. “Bị cáo nhận được tiền đem về nhà, vợ chỉ biết cầm cất đi chứ không biết tiền gì”, Kiên khai.

Tại tòa hôm qua 12.7, HĐXX cũng hỏi Kiên về việc sau khi nhận 42,6 tỉ đồng có đưa cho ai không, Kiên khẳng định không đưa cho ai, không bị ai tác động đến lời khai của mình.

Về việc sử dụng số tiền đã nhận hối lộ, Kiên nói phần lớn là giao dịch trên tài khoản chứ không rút tiền mặt. Khi vụ án bị điều tra, Kiên đã trả lại cho một số người khoảng 12 tỉ đồng, chi tiêu cá nhân khoảng 2 tỉ đồng, cho một người chú ở tỉnh Thái Bình vay 10 tỉ đồng, 20 tỉ đồng còn lại mua đất và sửa chữa nhà.

Kiểm sát viên truy vấn Kiên mua đất ở đâu, đến nay đã xử lý ra sao. Kiên cho hay mua 2 mảnh đất ở H.Ba Vì và H.Hoài Đức (Hà Nội), hiện đã bán để khắc phục hậu quả; một mảnh khác góp vốn với bạn mua ở Mũi Né (Bình Thuận), do Kiên bị bắt nên chưa giao dịch được.

Đáng chú ý, thấy Kiên nói cho một người chú vay 10 tỉ đồng, kiểm sát viên hỏi tên tuổi cụ thể của người này là gì. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế trả lời chỉ biết chú tên là Đông, ở tỉnh Thái Bình.

“Bị cáo cho vay số tiền rất lớn như vậy mà không biết họ tên chính xác của người vay?”, kiểm sát viên thắc mắc. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng người chú này là bên nhà vợ, nên bị cáo không nhớ chính xác họ.

“Vậy vợ bị cáo có biết?”, kiểm sát viên tiếp tục hỏi. Kiên nói vợ mình cũng không, chỉ nhớ là chú trong họ hàng mà thôi. Kiểm sát viên đặt tình huống lỡ bị "bùng" nợ thì sao, Kiên khai rằng vì là chú cháu trong gia đình nên hoàn toàn tin tưởng.

Xem nhanh 20h ngày 12.7: Đột nhập 'sào huyệt' tẩy trắng bắp chuối bào | Cựu thứ trưởng nhận tiền tỉ ‘cảm ơn’

Doanh nghiệp tố bị ép hối lộ, cựu thư ký chối bay

Trước đó, nhiều bị cáo là chủ các doanh nghiệp đều khai bị Phạm Trung Kiên chủ động, thậm chí yêu cầu phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Khi tới gặp Kiên tại phòng làm việc ở Bộ Y tế, doanh nghiệp bị Kiên quát tháo, nếu không đưa tiền thì không được phê duyệt chuyến bay. Thậm chí, doanh nghiệp xin giảm giá từ 150 xuống 100 triệu đồng/chuyến bay, Kiên thẳng thừng từ chối vì “có barem rồi”.

Ngược lại, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế phủ nhận việc quát tháo, ép buộc doanh nghiệp đưa tiền hối lộ. Bị cáo khai tất cả mức chi và hình thức chi tiền đều do các doanh nghiệp chủ động. HĐXX cho gọi các bị cáo là đại diện doanh nghiệp lên đối chất, nhóm này giữ nguyên lời khai, còn Kiên tiếp tục bác bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.