Những thông tin trên được các nhà sản xuất kinh doanh đường tại Việt Nam phản ánh ở Hội nghị Thương mại ngành đường mía niên vụ 2016-2017 được tổ chức hôm nay 29.12 tại TP.HCM.
Không có nhà máy vẫn được cấp phép “sản xuất” và “chế biến” đường
“Thái Lan đang thu mua mía từ nhà nông Thái với giá 35 - 37 USD/tấn, trong khi tại Việt Nam, doanh nghiệp phải mua 45 - 47 USD/tấn, gặp dịp mất mùa mía do thiên tai, giá mía đội lên 50 USD/tấn”, ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn thông tin và cho rằng chính giá nguyên liệu đầu vào của Thái Lan rẻ hơn giá nguyên liệu đầu vào của Việt Nam đến 10 USD/tấn nên giá đường Việt Nam khó cạnh tranh được với đường Thái.
Đồng quan điểm, TS Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam thông tin thêm: “Mỗi năm, chính phủ Thái chi 1,5 - 2 triệu USD cho các hợp tác xã nghiên cứu giống mía mới có trữ lượng đường cao. Giống mới này sẽ được nhà nước cấp không cho các nhà máy, các nhà máy sẽ đưa về cho nông dân không lấy một đồng. Đã có giống mía trữ lượng đường cao lại được hỗ trợ giống chắc, nên nhà nông bán giá thấp vẫn có lời”.
Ngoài ra, cũng theo ông Doanh, nhà nông Thái muốn vay tiền để đầu tư mua máy móc thiết bị phục vụ hiện đại việc trồng mía và thu hoạch, chỉ trả 1-2% lãi ngân hàng, còn lại khoảng 2-3% trích từ quỹ chi hỗ trợ ngành. “Mà quỹ này trích từ lợi nhuận của các nhà sản xuất kinh doanh đường mà có”, ông Doanh nói.
Ngoài việc giá nguyên liệu đầu vào cao, vấn nạn buôn lậu đường qua mậu biên cũng khiến đường trong nước “xất bất xang bang”, theo cách ví von của một doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Kim Hà Việt cảnh bảo có hiện tượng cấp phép “dung túng” cho việc tiêu thụ hàng hóa nhập lậu hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong ngành.
Cụ thể, ngoài việc đường Thái hiện nhập khẩu vào Việt Nam với lượng lớn, mua bán tràn lan ngoài thị trường vẫn chưa giải quyết được, tinh vi hơn, các nhà kinh doanh đường lậu lại có giấy phép để hợp thức hóa nguồn sản phẩm này.
“Tôi không thể nào hiểu sao lại có sự xuất hiện giấy phép cấp cho doanh nghiệp gọi là “Giấy phép phối trộn”. Theo đó, doanh nghiệp được phép mua đường từng bao lớn về, chiết ra bao nhỏ, tạo nên thương hiệu mới của mình để bán ra thị trường. Nguồn hàng mua vào có hóa đơn đầy đủ, loại hóa đơn mua hàng trôi nổi. Thứ hai, chính những doanh nghiệp này cũng được cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm rất dễ dàng. Thông tin chúng tôi có được từ một đại lý là có người chào giá 6 triệu đồng/tờ giấy vệ sinh an toàn thực phẩm để đại lý có thể chiết đường ra bán gắn thương hiệu cửa hàng mình. Mua bán đường mà dễ như mua bó rau vậy thì làm sao chúng ta ngăn chặn việc buôn lậu đường được?”, bà Hằng, đại diện Công ty Kim Hà Việt bức xúc.
Đường tạm nhập tái xuất đang chạy “lòng vòng”?
Vấn đề thứ hai, cũng theo bà Hằng, việc tạm nhập tái xuất đường cần phải được kiểm soát chặt. Bởi thông tin của công ty vận tải cung cấp, có hiện tượng đường Thái tạm nhập ở cảng Hải Phòng, nhưng bán luôn tại chỗ, không thấy tái xuất. “Các cơ quan quản lý cần kiểm tra những thông tin này tránh việc để đường tạm nhập với giá rất rẻ, thất thoát vào thị trường trong nước, mà không tái xuất như giấy phép”, bà Hằng nói.
Cũng liên quan đến việc tạm nhập tái xuất, ông Lê Trung Thành cho rằng Bộ Công thương cần minh bạch trong số liệu nhập khẩu đường, bởi hiện tại thông tin lượng đường được nhập khẩu thế nào trong năm qua các hội viên và Hiệp hội mía đường không nắm được.
“Các đơn vị tham gia được phép đấu thầu nhập 85.000 tấn đường để bù lượng đường thiếu hụt, giúp ''hạ nhiệt'' giá bán trong nước đến nay đã nhập hết số lượng này chưa? Đó là chưa nói, sau đó, Bộ Công thương lại xin phép Chính phủ cho nhập tiếp 200.000 tấn đường, cấp cho các doanh nghiệp không tốn chi phí đấu thầu vẫn được nhập. Vấn đề này tôi nghĩ Bộ Công thương cần có trả lời đầy đủ cho doanh nghiệp biết”, ông Thành thẳng thắn.
Cần có quyết sách mạnh chống đường lậu
Liên quan đến vấn nạn đường lậu đang tung hoành trên thị trường, ông Đặng Phú Quý, thành viên HĐQT Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi cho rằng cần có quyết sách mạnh chống đường lậu. Cùng với sự đồng hành của các hội viên Hiệp hội mía đường Việt Nam, các cơ quan quản lý phải cương quyết với vấn đề này hơn nữa.
Tổng hợp 14 ý kiến của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị, TS Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh: “Vấn đề mua đường trôi nổi rồi đóng gói, gắn bao bì nhãn mác của riêng đại lý là hành vi gian lận trong thương mại cần các cơ quan tại các địa phương đó phải kiểm tra ngăn chặn kịp thời. Làm sao có thể cấp phép cho doanh nghiệp không sản xuất đường lại có thương hiệu đường riêng chỉ bằng hành động phối trộn? Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương xem xét lại việc cấp phép kinh doanh và kiểm tra các cơ sở kinh doanh lại có chức năng sản xuất và chế biến đường mà không hề có nhà máy đường”. Ông Doanh cũng cho biết thêm hiện tượng này xuất hiện nhiều tại một số tình miền Tây. Miền Tây cũng là khu vực đường lậu vào Việt Nam qua đường mậu biên với số lượng lớn.
Ngoài ra, liên quan đến việc kiểm soát tạm nhập tái xuất đường, ông Doanh khẳng định khó “lọt” để đường chạy “lòng vòng” trong nước, không tái xuất. Dẫn quy định tại Nghị định 187 của Chính phủ, quy định việc tạm nhập tái xuất cho phép gia hạn lần đầu 30 ngày, lần thứ 2 là 60 ngày, nếu vẫn chưa tái xuất, sẽ buộc xuất trả về nơi xuất xứ. “Tôi nghĩ việc kiểm soát theo Nghị định 187 là rất chặt chẽ, nếu có dấu hiệu đường tạm nhập và chạy “lòng vòng” không xuất đi là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cần xem xét vấn đề này, nếu có. Song tôi tin là tình trạng này khó xảy ra, cái chúng ta lo lắng là đường trốn thuế”, ông Doanh nói.
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp thời hạn đấu thầu nhập đường nên tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, không nên để chậm đến tháng 9, tháng 10 mới tổ chức, sẽ khiến nhà máy sản xuất bị động, không chuẩn bị kịp nguồn hàng bán Tết, ông Doanh cho biết sẽ tổng hợp gửi lên Bộ Công thương và Chính phủ trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại hội nghị, Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ cho khu vực ASEAN mà còn cho hàng có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Brazil, Úc, Ấn Độ… để tăng tính cạnh tranh nguồn cung ứng.
Bình luận (0)