'Hoàng đế' Franz Beckenbauer
Rạng sáng ngày 9.1 (giờ Việt Nam), cả thế giới bóng đá tiếc thương khi Franz Beckenbauer trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 78. Ông ra đi bình yên trong vòng tay gia đình, khép lại sự nghiệp vĩ đại trên cả 3 khía cạnh: thi đấu, huấn luyện và quản lý.
Beckenbauer là món quà vô giá được ban tặng cho bóng đá Đức trong những năm tháng chật vật kiếm tìm vinh quang. Ông sẽ luôn có một vị trí trong bảo tàng lịch sử bóng đá thế giới khi đưa khái niệm "libero" lên đỉnh cao, giúp Bayern Munich trở thành thế lực của bóng đá Đức, đồng thời là một trong ba nhân vật hiếm hoi trong lịch sử vô địch World Cup cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV.
Trước khi từ giã cõi tạm, Beckenbauer đã để lại cho bóng đá Đức nói riêng và bóng đá thế giới nói chung một di sản đồ sộ.
Có một chi tiết ít người biết về Beckenbauer: dù là huyền thoại Bayern Munich, nhưng suýt nữa ông đã chơi cho CLB 1860 Munich, vốn là đội bóng kình địch của Bayern. Sinh ra vào năm 1945 tại Giesing (Munich), là con trai của một nhân viên bưu điện, Beckenbauer là cổ động viên của 1860 Munich, nuôi dưỡng ước mơ chơi cho đội bóng này trên những đường phố chật hẹp, đổ nát sau chiến tranh.
Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến với Beckenbauer ở tuổi 13, khi ông đang chơi cho đội bóng địa phương SC 1906 và đối đầu với đội trẻ của 1860 Munich. Trong trận chung kết, Beckenbauer, khi ấy đang chơi ở vị trí tiền đạo, đã tranh chấp với trung vệ Gerhard Konig bên phía đối thủ. Dù chi tiết trận đấu còn sơ sài, nhưng sự thật là Konig đã tát thẳng vào Beckenbauer. Đó là cú đánh khiến Beckenbauer thay đổi quyết định. Ông trở thành "Người đỏ", tức là thuộc về Bayern Munich, chứ không muốn thành "Người xanh", tức gia nhập 1860 Munich.
Quyết định này của Beckenbauer đã thay đổi hoàn toàn lịch sử bóng đá Đức. Do tình hình tài chính tồi tệ, Bayern không thể mua các ngôi sao, mà phải chiêu mộ cầu thủ trẻ để lấp đầy đội hình, trong đó có Sepp Maier và Beckenbauer.
Phần còn lại đã được lưu danh trong sử sách, khi Beckenbauer một tay giúp Bayern Munich vô địch Bundesliga và Cúp quốc gia Đức 4 lần chỉ trong giai đoạn 1966 - 1977, xen giữa là 3 chức vô địch C1 liên tiếp từ năm 1974 đến 1976. Trong màu áo đội tuyển Tây Đức, Beckenbauer đăng quang EURO 1972 và World Cup 1974 với tấm băng thủ quân trên tay. Ông 2 lần đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu (1972, 1976).
57 bàn thắng sau 535 trận cho Bayern, 14 bàn sau 103 lần ra sân cho Tây Đức, chức vô địch Bundesliga, C1, EURO và World Cup, là những danh hiệu cao quý nhất mà Beckenbauer đã nâng cao. Ở điểm cuối sự nghiệp, Beckenbauer sang Mỹ chơi cho New York Cosmos, đội bóng mà thần tượng Pele đã khoác áo.
Trên cương vị HLV trưởng, ông đưa Tây Đức vào tới chung kết World Cup 1986, chỉ chịu khuất phục trước Argentina của Diego Maradona "thần thánh". Để rồi 4 năm sau, Tây Đức phục hận khi đánh bại Argentina 1-0 ở chung kết World Cup 1990, đưa Beckenbauer trở thành một trong ba vĩ nhân từng vô địch danh hiệu này với tư cách cầu thủ lẫn HLV.
Người khai phá vĩ đại
So với 2 nhân vật còn lại từng vô địch World Cup khi còn thi đấu lẫn lúc huấn luyện, đó là Mario Zagallo (người được mệnh danh là "Giáo sư") và Didier Deschamps (được gọi là "kẻ xách nước"), Franz Beckenbauer mang biệt danh mỹ miều hơn cả. Bởi người hâm mộ gọi ông là "Der Kaiser", tức "Hoàng đế".
Theo The Guardian, đó là một trong những biệt danh đặc biệt nhất lịch sử bóng đá. Có người cho rằng, tên gọi "Hoàng đế" mà người hâm mộ đặt cho Beckenbauer đến từ việc ông từng được yêu cầu tạo dáng bên cạnh bức tượng bán thân của một vị hoàng đế thực sự. Một ý kiến khác nói rằng, Beckenbauer mang khí chất của một hoàng đế khi chơi bóng trên sân.
"Beckenbauer mang thần thái của một chính khách, dù ông chơi bóng, làm HLV khi trở thành quản lý. Ông ở một tầm vóc khác với hầu hết cầu thủ bóng đá, dù xuất thân từ tầng lớp lao động khiêm tốn ở Munich, nơi bị chiến tranh tàn phá khốc liệt", The Guardian đánh giá.
Sinh thời, Beckenbauer đóng đinh tên tuổi với vai trò của một "libero". Đây là cụm từ mang nghĩa "tự do" trong tiếng Ý. Một cầu thủ sắm vai libero sẽ làm gì trên sân? Hãy xem Beckenbauer chơi bóng. Khi phòng ngự, ông là người đứng ở dưới đáy hàng thủ để bọc lót, hỗ trợ đồng đội giành bóng. Còn khi đội cầm bóng, ông dâng cao như một tiền vệ điều tiết lối chơi, thậm chí băng lên ghi bàn.
Trong dòng chảy chiến thuật ngày càng khô khan và có phần máy móc, Beckenbauer dị biệt bởi màu sắc lãng mạn. Ông chơi bóng tao nhã, nhưng toát lên phẩm chất của vị vua có thể định đoạt mọi khía cạnh trận đấu. Nếu phòng ngự, luân chuyển bóng và tấn công là 3 vai trò then chốt trong bóng đá cần đảm nhiệm bởi nhiều cầu thủ, hãy nhớ rằng đã từng có người đảm nhiệm được tất cả, mà trên khía cạnh nào, ông cũng làm tốt.
"Nếu Johan Cruyff nổi tiếng với cú xoay người ghi bàn đẹp mắt, Beckenbauer lại hoàn hảo theo cách riêng. Ông luôn chọn thời điểm xử lý bóng chuẩn mực, kiên nhẫn chờ đợi rồi băng vào loại bỏ đối thủ một cách gọn gàng. Beckenbauer rất hiện đại, thậm chí đi trước thời đại", The Guardian đánh giá.
Cái giỏi của Beckenbauer không chỉ là sự toàn diện trong lối chơi, mà còn là tinh thần "băng giá" và cứng cỏi như một cỗ xe tăng.
Huyền thoại Bobby Charlton, người từng trực tiếp đối đầu Beckenbauer khẳng định: "Franz là mẫu cầu thủ phân phối bóng tuyệt vời, một tay tắc bóng cừ khôi. Anh ấy luôn kiểm soát tình huống và không bao giờ hoảng sợ. Tôi chưa khi nào thấy Beckenbauer có vẻ căng thẳng cả. Rất khó đánh bại ông ấy".
Mùa hè năm 1990, khi Beckenbauer lúc này đã là HLV trưởng đội tuyển Tây Đức và sắp tái ngộ Argentina, ông chỉ dặn học trò 1 câu ngắn gọn trước chung kết World Cup: "Hãy ra ngoài đó đi, vui vẻ và thi đấu nào". Tây Đức sau đó ra sân, chiến thắng và vô địch.
Beckenbauer là hoàng đế của bóng đá Đức, bởi ông mang tới nguồn cảm hứng vô tận. "Nếu Beckenbauer nói với cầu thủ rằng quả bóng hình vuông, họ cũng tin vào điều đó", Otto Rehhagel, nhà vô địch Bundesliga, người từng đưa Hy Lạp lên ngôi vương EURO 2004 chia sẻ.
Trên tất cả, Beckenbauer là nét phóng khoáng thuần khiết đặt trong khuôn khổ kỷ luật sắt đá của người Đức khi ấy, là cầu thủ mang khát vọng tự do, hệt như vị trí đã gắn bó với ông trong cả sự nghiệp. Beckenbauer là hoàng đế, bởi ông có thể làm tất cả, từ phòng ngự, kiểm soát đến tấn công. Bóng đá thế giới ngày càng phân cấp vai trò cho cầu thủ, người ta lại càng nhớ đến một thời dĩ vàng, nơi đúng nghĩa có một cá nhân định đoạt tất cả theo cách điên rồ nhất.
Vĩnh biệt Beckenbauer, cánh chim "tự do" từ hôm nay đã sải cánh về với thiên đường.
Bình luận (0)