Minh Trường là con trai của nghệ sĩ ưu tú Hoài Sơn. Gia đình muốn anh trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng với dòng máu nghệ thuật trong người, nam ca sĩ chọn cho mình ngả rẽ là trở thành vũ công và ca sĩ. Minh Trường trải lòng về khoảng thời gian khó khăn khi mới vào nghề: “Tôi đi hát và thấy làm ca sĩ cạnh tranh trong nghề quá lớn. Lượng ca sĩ hát tân nhạc rất nhiều, so với cải lương có một nghệ sĩ thì ca nhạc sẽ có 100. Tôi bỏ cuộc và đi học quản lý nhà hàng khách sạn, làm việc cho một khách sạn Phú Quốc”.
Tưởng chừng đã đi rất xa với nghiệp Tổ, bất ngờ Minh Trường lại quay trở về với sàn diễn từ những lối rẽ không hề dự báo trước. Năm 2011, anh đăng ký thi Giọt nắng phù sa với tâm thế “con nhà nòi thi để hát cho đã” nhưng dần dần anh nhận ra tình yêu với bộ môn cải lương. Năm đó, anh nhận được lời mời của soạn giả Hoàng Song Việt về cộng tác với đoàn Thắp sáng niềm tin của Nhà hát Trần Hữu Trang. Tuy là “lính mới”, nhưng anh may mắn được các anh chị chỉ dạy, Minh Trường nỗ lực học hỏi từng ngày, bởi không muốn lạc lõng, bị bỏ lại phía sau. Từ một diễn viên trẻ, Minh Trường “thi đâu thắng đó” với loạt thành tích cao tại Giọt nắng phù sa 2011, Bông lúa vàng 2011, Chuông vàng vọng cổ, Tinh hoa hội tụ...
|
Với khoảng thời gian dài 10 năm, chật vật tìm hướng đi thì câu vọng cổ lại là cái duyên giúp Minh Trường trở về với nghiệp Tổ. Anh dần có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả qua những vở diễn và trở thành một trong kép đẹp nổi bật trong thế hệ những nghệ sĩ trẻ. Minh Trường thú nhận con đường của anh đến với cải lương suôn sẻ và không có ganh ghét, đố kỵ, chỉ có cạnh tranh để phấn đấu nghề: “Theo cải lương, xung quanh tôi là những cô chú sẵn sàng tiếp lửa. Cuộc đời tôi may mắn khi lúc khó khăn là có người dang tay nâng đỡ. Tôi không lý giải được bản thân may mắn hay do mọi người thấy được sự nỗ lực của tôi”.
Càng dấn thân vào nghệ thuật cải lương, Minh Trường càng thấy mình thêm yêu ánh đèn sân khấu. Anh khẳng định “cải lương sẽ mãi không chết” vì khán giả đến rạp rất đông. “Nếu nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu Lê Hoàng cộng tác với doanh nhân Kim Ngân, hay sân khấu của nghệ sĩ Vũ Luân, anh chị nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà tổ chức buổi diễn định kỳ thì có thể bán 300 - 400 vé. Đây là tín hiệu mừng của cải lương khi nhiều sân khấu kịch hiện nay không bán hết vé mở màn, khán giả trả lại vé”, anh cho biết. Tuy nhiên, nghệ sĩ, bầu show không mạnh dạn làm nhiều vở diễn bởi giá vé của sân khấu rất “khủng”. Minh Trường tiết lộ một vở cải lương đầu tư bình thường, vé bán ở các mức 1.000.000 đồng, 700.000 đồng, 500.000 đồng, 300.000 đồng dưới đất, vé trên lầu khoảng 200.000 đồng, 100.000 đồng. Buổi diễn bán được 300 vé là hòa vốn, 400 vé thì người tổ chức sẽ có lời.
|
Giá vé cao là do dàn dựng một vở cải lương rất tốn kém nên đa phần bầu show rất ngại đầu tư, dẫn đến sân khấu ít “sáng đèn”, khán giả không có nơi để xem cải lương. Nghệ sĩ trẻ kế thừa không có sân khấu học hỏi và làm nghề. Nghệ sĩ kiếm sống thêm từ các show đám tiệc, nhất là dịp cuối năm. Gia đình có điều kiện sẽ mời nghệ sĩ đến hát bởi thích gặp mặt, nghe nghệ sĩ hát ngoài đời hơn trên truyền hình. Trước tình hình đó, anh động viên thế hệ trẻ đam mê cải lương đừng quá bi quan mà hãy học hỏi, nỗ lực qua các chương trình gameshow để tìm cơ hội, may mắn.
Theo dõi các sân chơi cải lương, Minh Trường cho biết Chuông vàng vọng cổ trong năm qua, ngoài giọng ca, giám khảo còn đánh giá về sắc vóc thí sinh. Trong khi các năm trước, thí sinh trước đây có ngoại hình không đẹp nhưng vẫn đạt được quán quân, đi hát kiếm sống rất tốt. Đối với Minh Trường: “Quan điểm về cái đẹp của mỗi người là khác nhau nhưng để thành công, chắc chắn các bạn phải nỗ lực hơn với nghề. Tôi nhìn cách anh Kim Tử Long thực hiện liveshow và nể phục cách người nghệ sĩ hát, vũ đạo và dựng tuồng. Tôi phải làm việc 100% công lực như anh ấy, thì mới mong có được cơ hội nổi tiếng, được khán giả yêu mến”.
Bình luận (0)