Bỗng dưng… trúng tuyển
Câu chuyện giáo sư Ngô Bảo Châu bỗng dưng nhận được thông báo trúng tuyển vào Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM vừa mới đây đã khiến dư luận "cười rụng răng" vì tình huống có một không hai này.
Vì đâu giáo sư Ngô Bảo Châu bỗng được "trúng tuyển" cao đẳng?
Đại diện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM đã trả lời Báo Thanh Niên về nguyên nhân của trường hợp này là do nhầm lẫn từ dữ liệu thí sinh cung cấp. Đồng thời ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin, ông Ngô Thanh Sang, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông của trường đã có email xin lỗi giáo sư Ngô Bảo Châu.
Một độc giả tên N.T cho biết mình là cán bộ hưu trí nhưng cũng từng nhận được thông báo trúng tuyển của một trường ĐH.
Trong mấy năm gần đây, tình huống "không đăng ký xét tuyển cũng trúng tuyển" là hiện tượng khá phổ biến. Cách đây 3 năm, gần 200 học sinh Trường THPT An Thới, huyện Phú Quốc cũng "bỗng dưng trúng tuyển" vào một trường ĐH ở TP.HCM. Ông Lê Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT An Thới lúc bấy giờ chia sẻ với báo chí rằng sau khi trường ĐH này về trường tư vấn, thấy số lượng học sinh đăng ký vào trường tương đối nhiều, nên để tránh từng em phải photo học bạ và tự gửi có thể dẫn đến thất lạc bản chính, ông Vân đã yêu cầu văn phòng gửi thông tin của học sinh cho trường ĐH.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 22.6
Trường có dữ liệu thí sinh từ đâu?
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: "Sở dĩ có chuyện không đăng ký xét tuyển cũng nhận được thông báo trúng tuyển, là vì các trường lấy dữ liệu thí sinh từ trường THPT hoặc từ các ngày hội tuyển sinh, sau đó gửi thông báo trúng tuyển hàng loạt để hy vọng sẽ có thêm người học. Ngày nay thí sinh và phụ huynh nắm rất rõ thông tin nên cách này thực chất không hiệu quả, thậm chí còn gây phản ứng ngược, bị tẩy chay".
Bên cạnh đó, thạc sĩ Nam cũng cho rằng có thể xảy ra tình huống thí sinh đăng ký trực tuyến, phần điền địa chỉ email bị thiếu, bị sai hoặc gõ nhanh bị nhầm, khiến bộ phận tuyển sinh các trường sẽ gửi thông báo theo địa chỉ không đúng đó, dẫn đến tình huống "bỗng dưng trúng tuyển" như giáo sư Ngô Bảo Châu mới đây.
"Tuy nhiên, nếu các trường kiểm tra kỹ thông tin về tên tuổi, căn cước công dân, học bạ… thì sẽ khó có sự nhầm lẫn", thạc sĩ Nam cho hay.
"Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trước đến nay chỉ chăm sóc thí sinh từ dữ liệu mà thí sinh đăng ký vào trường, không có chuyện lấy thông tin từ các trường phổ thông hay từ ngày hội tuyển sinh", thạc sĩ Nam chia sẻ thêm.
Cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM, cho rằng không ít trường ĐH, CĐ vì áp lực muốn đạt chỉ tiêu nên đã "gửi đại" giấy báo trúng tuyển cho hàng loạt thí sinh, mà dữ liệu là lấy từ trường phổ thông, từ sở GD-ĐT hoặc từ các ngày hội tuyển sinh.
"Nếu thí sinh nào không hiểu biết, có thể sẽ nhập học mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin về trường gửi giấy báo, dẫn đến nhiều hệ lụy sau này như học phí quá cao, ngành học không yêu thích…", vị cán bộ này nhìn nhận.
Theo thạc sĩ Trần Hải Nam, việc một số trường có cách làm tuyển sinh như trên sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cái nhìn của xã hội đối với các trường ĐH, CĐ. "Xã hội sẽ nghĩ tuyển sinh ĐH, CĐ mà giống như đa cấp, phải tìm cách "dụ dỗ" thí sinh. Việc không đăng ký xét tuyển mà bỗng dưng trúng tuyển không khác gì với việc hàng ngày chúng ta không có nhu cầu mua đất, vay tiền nhưng vẫn nhận được các cuộc điện thoại mời mua đất, vay tiền khiến cảm thấy rất phiền phức", thạc sĩ Trần Hải Nam chia sẻ.
Bình luận (0)