Nhiều thí sinh dự thi riêng nhưng chưa đăng ký xét tuyển

Hà Ánh
Hà Ánh
08/06/2023 08:44 GMT+7

Hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH đã tổ chức xong kỳ thi riêng nhưng ghi nhận từ các đơn vị tổ chức, nhiều thí sinh tham gia dự thi chưa đăng ký xét tuyển.

CHỈ 50% THÍ SINH CHƯA NỘP HỒ SƠ

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm nay lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào trên máy tính phục vụ xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu nhà trường, cho biết hiện trường ĐH này đã tổ chức xong các đợt của kỳ thi năm nay. Theo đó, có trên 1.200 lượt thí sinh (TS) đã tham dự kỳ thi này tại trường (gấp 4 lần chỉ tiêu cần tuyển theo phương thức tuyển sinh này).

Theo quy định của trường, TS xét tuyển sớm cần thực hiện 2 bước. Sau khi đăng ký thông tin trên cổng trực tuyến của trường, phải nộp hồ sơ bản cứng về trường. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ cho hay: "Hiện số TS nộp hồ sơ bản cứng về trường mới chỉ khoảng 50% so với tổng số đăng ký trực tuyến. Hết thời gian thông báo trên, những TS dù đã đăng ký trực tuyến nhưng chưa nộp hồ sơ về trường sẽ không đủ điều kiện tham gia xét tuyển".

ĐĂNG KÝ DỰ THI KHÁC ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức xong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã công bố kết quả thi đợt 1 của hơn 4.000 TS vào ngày 31.5. Tuy nhiên, TS cần lưu ý việc đăng ký xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt trên hệ thống xét tuyển trước ngày 10.6. TS dự thi đợt 1 và 2 đều phải đăng ký xét tuyển đúng hạn.

Nhiều thí sinh dự thi riêng nhưng chưa đăng ký xét tuyển - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

NGỌC DƯƠNG

"TS cần phân biệt đăng ký dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt và đăng ký xét tuyển là hai việc độc lập, khác nhau. Nếu không đăng ký xét tuyển đúng hạn, TS sẽ không được xét trúng tuyển sớm bằng phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực", thạc sĩ Trung lưu ý.

Trường ĐH Sài Gòn năm nay lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính đối với các ngành không thuộc nhóm đào tạo giáo viên. Cụ thể, trường tổ chức thi 7 môn độc lập gồm: toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Riêng môn ngữ văn, nếu có trong các tổ hợp xét tuyển, điểm xét tuyển được lấy từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm nay, trường tổ chức 3 đợt thi và đợt cuối vào ngày 27 và 28.5. Tuy nhiên, theo đại diện trường ĐH này TS sau khi dự thi cần thực hiện bước tiếp theo là đăng ký xét tuyển trên hệ thống trực tuyến của trường. "Trường sẽ ban hành hướng dẫn đăng ký xét tuyển chi tiết trong thời gian sắp tới. Trong đó, thời gian đăng ký xét tuyển kéo dài đến 17 giờ ngày 28.6", đại diện này thông tin.

VÌ SAO GIA HẠN VẪN ÍT HỒ SƠ ?

Đáng chú ý, có những đơn vị gia hạn thời gian đăng ký xét tuyển nhưng số TS đăng ký vẫn ở mức thấp như phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đến thời điểm này, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã kết thúc xong việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đợt thi có gần 42.300 TS tham dự và kết quả đã được công bố vào ngày 6.6.

Nhiều thí sinh dự thi riêng nhưng chưa đăng ký xét tuyển - Ảnh 2.

Hệ thống đăng ký xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp nhận đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực đến hết ngày 10.6

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, song song với việc dự thi, TS cần thực hiện đăng ký xét tuyển vào các trường bằng kết quả kỳ thi này. Thay vì kết thúc vào ngày 28.4, cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến của ĐH này đã gia hạn đến hết ngày 10.6 do số lượng TS đăng ký thấp kỷ lục. Nhưng sau khi gia hạn thêm gần 1 tháng, theo số liệu cập nhật đến ngày 30.5, số TS đăng ký bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực vào các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn ở mức thấp so với năm 2022.

Trong đó, nhiều đơn vị số TS đăng ký chỉ đạt trên dưới 40% so với năm trước đó. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế - Luật có số TS đăng ký xét tuyển nhiều nhất ở mức gần 11.000 nhưng chỉ đạt khoảng 40% so với năm ngoái. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hiện có trên 9.500 TS đăng ký, đạt trên 70% so với năm 2022. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM có trên 7.500 TS (đạt trên 62%), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có trên 6.800 (chỉ đạt 35% so với năm ngoái), Trường ĐH Quốc tế có trên 4.900 (đạt trên 46%)… Đáng chú ý, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre hiện chỉ có 8 TS đăng ký.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, lưu ý điều quan trọng TS cần làm sau khi tham dự kỳ thi là thực hiện đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi này. Trong đó, riêng hệ thống đăng ký xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp nhận đăng ký đến hết ngày 10.6. "Sau thời điểm này, TS không còn cơ hội tham gia xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và nhiều trường khác cùng tham gia hệ thống xét tuyển này", tiến sĩ Chính nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.