Chọn ngành đăng ký xét tuyển: Tránh điểm cao nhưng vẫn trượt

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/04/2023 07:30 GMT+7

Đạt mức điểm rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành học mong muốn là tình trạng không hiếm của thí sinh trong nhiều năm qua. Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân của việc trượt oan này, đồng thời đưa ra những lưu ý đặc biệt.

Đó là nội dung được trao đổi trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 18.4, được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên .

CHỦ QUAN DỄ BỊ TRƯỢT OAN

Tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin: "Theo thống kê, năm 2022 có 61 thí sinh (TS) đạt tới 29,5 điểm ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT mà vẫn rớt ĐH. Chưa kể rất nhiều TS khác kết quả thi cao nhưng cũng không trúng tuyển. Lý do thứ nhất là do các em chủ quan, cho rằng mức điểm đó chắc chắn sẽ đậu nên chỉ đăng ký một nguyện vọng vào một trường mà mức điểm chuẩn hằng năm rất cao. Lẽ ra các em phải có phương án dự phòng là đăng ký thêm ngành học đó ở các trường có mức điểm chuẩn thấp hơn".

Chọn ngành đăng ký xét tuyển: Tránh điểm cao nhưng vẫn trượt - Ảnh 1.

Nhiều thông tin về việc nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển sớm được các chuyên gia cung cấp trong chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều qua

NHẬT THỊNH

Còn theo thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lý do rớt oan còn liên quan đến yếu tố kỹ thuật. "Khi sử dụng phương thức xét tuyển sớm, các em được trường thông báo đã trúng tuyển nhưng đây chỉ là trúng tuyển có điều kiện. Nhiều em chủ quan tưởng như vậy là xong nên không thực hiện các thủ tục tiếp theo như đăng ký ngành học đã trúng tuyển thành nguyện vọng 1 lên hệ thống chung của bộ, đóng lệ phí và xác nhận trúng tuyển. Do đó, các em đã đánh mất cơ hội trở thành sinh viên ĐH", thầy Nhơn chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương phân tích thêm: "Dù đạt điểm cao, khi ứng tuyển vào các trường tốp đầu thì các em phải đối mặt với tỷ lệ chọi rất cao. Chưa kể nếu không đọc kỹ phương án tuyển sinh, cách tính điểm của các trường, các tiêu chí phụ... thì nguy cơ điểm cao vẫn trượt là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế các em hãy luôn tính đến các phương án dự phòng. Chẳng hạn xét tuyển bằng nhiều phương thức và đăng ký nhiều nguyện vọng. Không nên quá tự tin chỉ đăng ký nguyện vọng duy nhất và phương thức duy nhất".

Bên cạnh đó, tiến sĩ Phương lưu ý nếu đăng ký nhiều nguyện vọng thì nên chọn một ngành ở nhiều trường có các mức điểm chuẩn khác nhau, hoặc chọn các ngành gần nhau chứ không nên chọn các ngành khác nhau ở cùng một trường ĐH. "Có thể vì yêu thích một trường nào quá, quyết tâm phải học trường đó mà các em chọn nhiều ngành khác nhau của trường đó để đăng ký. Điều này sẽ dẫn đến việc có những ngành các em không yêu thích, không có tố chất theo học nhưng trúng tuyển, khi học các em dễ bị chán nản, ra trường đi làm cũng không thấy vui vẻ hạnh phúc", tiến sĩ Phương cho hay.

CHỌN NGÀNH HỌC THÔNG MINH

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng với gần 20 phương thức và hàng trăm tổ hợp môn xét tuyển, TS có quá nhiều cơ hội để trúng tuyển ĐH. Tuy nhiên, để trúng tuyển vào đúng ngành học, trường học mà mình yêu thích và phù hợp với tố chất, năng lực của bản thân và điều kiện của gia đình, thì phải có cách lựa chọn thông minh.

Tiến sĩ Hải nhận định: "Hiện nay có thực tế là nhiều ngành nghề các em yêu thích thì xu hướng lại chưa được sôi động như một số ngành khác. Có 3 yếu tố trụ cột khi chọn ngành các em cần suy nghĩ, đó là ngành nghề em yêu thích là gì, các em có khả năng hay không và nhu cầu xã hội ra sao. Nếu 3 yếu tố này mà giao nhau thì đó chính là ngành mà các em sẽ học rất tốt và sau khi ra trường sẽ rất thành công. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự yêu thích và tố chất phù hợp. Nếu như ngành cách em yêu thích chưa phải là ngành "hot", ngành xu hướng, thì các em vẫn có thể kiếm được việc làm tốt và có thu nhập cao nếu như các em thực sự giỏi trong công việc của mình".

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, lưu ý: "Khi đăng ký ngành học, các em phải xác định mục tiêu mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào? Trước hết xác định nghề, công việc mình muốn làm thông qua một số công cụ trắc nghiệm ngành nghề. Tiếp đến là tìm hiểu học các ngành nào có thể làm nghề đó để hình dung sự tương thích của bản thân với ngành học. Sau đó là chọn bậc học phù hợp với lực học của mình, có thể là ĐH hoặc CĐ đều được. Tiếp theo là chọn trường căn cứ vào các yếu tố như vị trí địa lý, môi trường học tập, các hoạt động đào tạo, ngoại khóa, học phí... Và cuối cùng là chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển và đăng ký, điều chỉnh sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý".

Qua kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh và giảng dạy nhiều năm của mình, tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ có rất nhiều sinh viên đến năm 3 mới thổ lộ "cô ơi em chọn sai ngành rồi". "Các em đã mất rất nhiều thời gian để nhận ra điều này. Chính vì thế, ngay từ đầu hãy cân nhắc thật kỹ lĩnh vực ngành nghề mà mình yêu thích là gì chứ không nên chọn theo bạn bè. Bên cạnh đó phải dựa vào khả năng, tố chất của mình có phù hợp hay không. Quan trọng nhất vẫn là các em yêu cái gì thì chọn cái đó", tiến sĩ Cẩm Vân đưa ra lời khuyên.

Chọn ngành đăng ký xét tuyển: Tránh điểm cao nhưng vẫn trượt - Ảnh 2.

Lê Thanh Hải

"Các em hãy luôn tính đến các phương án dự phòng. Chẳng hạn xét tuyển bằng nhiều phương thức và đăng ký nhiều nguyện vọng. Không nên quá tự tin chỉ đăng ký nguyện vọng duy nhất và phương thức duy nhất".

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)
Chọn ngành đăng ký xét tuyển: Tránh điểm cao nhưng vẫn trượt - Ảnh 4.

NHẬT THỊNH

"Ngay từ đầu hãy cân nhắc thật kỹ lĩnh vực ngành nghề mà mình yêu thích là gì chứ không nên chọn theo bạn bè. Bên cạnh đó phải dựa vào khả năng, tố chất của mình có phù hợp hay không".

Tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân (Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)
Chọn ngành đăng ký xét tuyển: Tránh điểm cao nhưng vẫn trượt - Ảnh 6.

NHẬT THỊNH

"Nhiều em chủ quan không thực hiện các thủ tục tiếp theo như đăng ký ngành học đã trúng tuyển thành nguyện vọng 1 lên hệ thống chung của Bộ, đóng lệ phí và xác nhận trúng tuyển. Do đó, các em đã đánh mất cơ hội trở thành sinh viên ĐH".

Thầy Võ Ngọc Nhơn (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Ngành nào nhiều thí sinh đăng ký hồ sơ ?

Tính đến thời điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết số lượng TS đăng ký vào Trường ĐH Duy Tân chủ yếu bằng phương thức xét học bạ với kết quả học tập năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Trường cũng đang nhận hồ sơ điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. "TS tập trung nhiều vào các ngành khoa học máy tính, kinh doanh, quản lý và du lịch. Khối ngành môi trường, kiến trúc do mang tính chất đặc thù nên lượng hồ sơ ít hơn. Điểm bình quân học bạ của thí sinh vào trường năm nay khá cao - 21 điểm, trong khi năm trước chỉ 19, 20 điểm", tiến sĩ Hải thông tin.

Tại Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay đối với phương thức xét học bạ và điểm đánh giá năng lực, phổ điểm năm nay nhỉnh hơn năm trước. TS đăng ký nhiều vào các ngành quản trị kinh doanh, logistics, ngôn ngữ, truyền thông, marketing và đặc biệt là nhóm ngành du lịch lượng hồ sơ tăng tới 30 - 40% so với 2022.

Thầy Võ Ngọc Nhơn cho rằng TS ở các tỉnh miền Trung tập trung nhiều vào nhóm ngành kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong khi TS miền Tây Nam bộ lại nộp nhiều vào các ngành về du lịch.

Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lượng hồ sơ xét học bạ nộp vào thời điểm này tăng khoảng 10% so với năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.