Theo CNN, nhiều nhà đầu tư e ngại rằng chính trị gia cực hữu Marine Le Pen sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới. Cách biệt trong lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp và Đức hiện đang ở mức lớn nhất trong gần bốn năm, cho thấy giới đầu tư cho rằng nợ Pháp mang rủi ro đáng kể.
Bà Le Pen chính thức chạy đua cho chiếc ghế tổng thống Pháp từ ngày 5.2 với một loạt phát biểu tấn công toàn cầu hóa và nói về sự nguy hiểm của di cư. Bà cũng cam kết sẽ đưa Pháp rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phần lớn quan điểm của bà trùng khớp với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà Le Pen muốn Pháp bỏ dùng đồng euro và đây là sự kiện có thể đưa tương lai của đồng tiền chung châu Âu vào bế tắc. Bà cũng đe dọa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc nên đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Chuyện Pháp rời EU sẽ rắc rối hơn nhiều so với việc Anh rời EU vì nước này là một trong những quốc gia sáng lập khối và là nền kinh tế lớn thứ nhì khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
“Mọi người đang cảm thấy lo lắng hơn một chút khi giữ nợ Pháp vì nguy cơ rất nhỏ nhưng lại ngày càng lớn lên rằng món nợ này sẽ chuyển đổi từ đồng euro sang đồng franc. Mọi người hiện bắt đầu xem xét nguy cơ Pháp rời eurozone nhưng không thực sự lo ngại với mức độ mà nó đáng được lo ngại”, chuyên gia kinh tế châu Âu Jennifer McKeown tại Capital Economics nói.
Dưới đây là một số lời hứa kinh tế mà bà Marine Le Pen đưa ra trong bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử.
Chủ nghĩa bảo hộ: Bà Le Pen đưa ra một loạt chính sách thương mại được miêu tả là “chính sách bảo hộ thông minh”, bao gồm nhiều biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp Pháp và bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh từ công ty ngoại. Đơn cử, hãng Pháp sẽ được ưu tiên khi đấu thầu các hợp đồng đại chúng.
Thuế với lao động nước ngoài: Bà Le Pen cũng hứa sẽ áp loại thuế mới lên các doanh nghiệp thuê tuyển nhân viên ngoại quốc.
Giảm nhập cư: Ứng viên tổng thống muốn giảm số dân di cư hợp pháp vào nước này xuống còn 10.000 người mỗi năm. Bà cũng muốn hạn chế khả năng tiếp cận với dịch vụ công cộng của người nhập cư. Trong bài phỏng vấn với hãng tin CNN, bà nói rằng Pháp “bị những người Hồi giáo cực đoan tấn công”.
Cắt giảm thuế: Bà Le Pen tìm cách giảm thuế thu nhập, đơn giản hóa các quy định về thuế và trốn thuế.
Hệ thống bầu cử Pháp gồm hai vòng bỏ phiếu: Vòng đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 23.4 và vòng thứ nhì diễn ra ngày 7.5 nếu không ứng viên nào nhận được hơn 50% số phiếu bầu.
Hiện bà Le Pen vừa có lợi thế vì một vụ bê bối khiến đối thủ hàng đầu của bà, ông Francois Fillon, chật vật. Bà được cho rằng sẽ nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong tất cả các ứng viên ở vòng bỏ phiếu đầu, song sẽ thua trong vòng thứ hai khi cử tri chọn một chính trị gia truyền thống hơn với các kế hoạch ít quyết liệt hơn.
tin liên quan
Thủ lĩnh cực hữu Pháp thăm Tháp TrumpNgày 13.1, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) của Pháp Marine Le Pen đến thăm tòa nhà Trump Tower (Tháp Trump) ở thành phố New York, Mỹ.
Bình luận (0)