UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Tổ hợp thể thao Sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy để phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra vào năm 2021.
Theo đó, dự án có tổng diện tích 32.158 m2, bao gồm khu vực SVĐ Hàng Đẫy diện tích 23.433 m2 và phụ cận (Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức diện tích 6.938 m2, khu đất của Sở KH-ĐT Hà Nội diện tích 1.787 m2). Về quy mô, SVĐ Hàng Đẫy được xây mới trên khu đất hiện nay có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35 m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe). Khu nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được xây dựng trên ô đất rộng 6.938 m2. Công trình cao 8 tầng (khoảng 35 m) còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng.
Khu vực văn phòng làm việc kết hợp với quảng trường được xây trên ô đất rộng 1.787 m2. Công trình này cao 5 tầng (khoảng 23 m), tầng 1 làm quảng trường; các tầng khác là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng điều hành và dịch vụ công cộng. Dự kiến tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy khoảng 6.309 tỉ đồng. Hình thức đầu tư là xã hội hóa, nhà đầu tư tự thu xếp 100% vốn đầu tư trong suốt thời gian thực hiện và được quyền khai thác vận hành trong thời gian 50 năm.
UBND TP.Hà Nội cho biết đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công tổ hợp SVĐ Hàng Đẫy, nhằm đáp ứng mục tiêu đến tháng 10.2021 hoàn thành, kịp phục vụ SEA Games 31.
Đề xuất không qua đấu giá, chỉ định nhà đầu tư
|
Do đó, UBND TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm I, khoản 2, điều 118 luật Đất đai và nhà đầu tư được phép triển khai thủ tục quyết định chủ trương đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.
Mặt khác, dự án Tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy sử dụng diện tích hơn 3,2 ha đất vốn là đất công đang được giao cho một số cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng, quản lý. Do đó việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được thực hiện theo phương án “hình thức khác” (quy định tại điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).
Cũng theo UBND TP.Hà Nội, chủ trương giao doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác vận hành SVĐ Hàng Đẫy có từ năm 2017. Tháng 5.2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc với Tập đoàn T&T về phương án thiết kế SVĐ Hàng Đẫy. Tháng 7.2018, UBND TP trình Thường trực Thành ủy về việc T&T đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hóa. Hồi cuối tháng 3.2018, Tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues (Pháp) về việc hợp tác cải tạo SVĐ Hàng Đẫy trị giá 250 triệu USD. Tập đoàn T&T là đối tác có năng lực tài chính, hoạt động trong lĩnh vực thể thao và đã có quá trình nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế, xây dựng lại SVĐ Hàng Đẫy.
Bỏ bạc cục thu tiền lẻ
Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.10, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, cho rằng quá trình triển khai thủ tục xúc tiến dự án thì cả UBND TP và T&T đã thực hiện công khai, minh bạch nên ông không hề e ngại bất cứ ý kiến nào về việc Hà Nội có “ưu ái đặc thù” cho doanh nghiệp. Ông Hiển nói: “Xây tổ hợp thể thao Hàng Đẫy là để phục vụ cho văn hóa thể thao, cho xã hội chứ có phải để làm nhà ở hay kinh doanh gì đâu.
SVĐ Hàng Đẫy có truyền thống về bóng đá nhưng nhiều năm qua xuống cấp mà TP phải bù lỗ, không có tiền để đầu tư, cải tạo lại. Vì yêu bóng đá thì chúng tôi làm thôi chứ hiệu quả kinh tế thì nói thật là không có đâu, chỉ bỏ bạc cục đi thu tiền lẻ thôi”. Ông Hiển cho biết dự án thực hiện theo quy chuẩn của FIFA nên số tiền đầu tư rất lớn, trong khi thu hoạt động thể thao là chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Ngay trường hợp đấu giá thì cũng chẳng có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào mô hình này, nếu như không có tình yêu với thể thao, với bóng đá.
Trong khi đó ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường, nhìn nhận dự án tổ hợp SVĐ Hàng Đẫy được xây dựng trên cơ sở đất của nhà nước nên không phải thực hiện theo quy định của luật Đất đai mà theo quy định về quản lý và sử dụng tài sản công. Thẩm quyền quyết định trường hợp này là của Thủ tướng và đã được UBND TP.Hà Nội thực hiện theo đúng quy định. Đề cập đến phương án không qua đấu giá thuê đất, ông Đào Trung Chính cho rằng dự án này có mức đầu tư ban đầu lớn trong khi thu hồi vốn rất chậm nên các nhà đầu tư khó mà mặn mà. “Trong những trường hợp như thế này không hẳn đưa ra đấu giá thì đã tìm được nhà đầu tư, có khi tìm được ông Hiển cũng là may mắn cho Hà Nội”, ông Chính nói.
Bình luận (0)