Vì sao hiểu đúng về trí tuệ nhân tạo là 'quyền lực mới'?

TS Hoàng Xuân Phương
Trường ĐH Văn Lang
08/04/2025 10:15 GMT+7
0:00
00:00
Bài đầy đủ
Ngọc Huyền

Chọn giọng đọc

Trong khi nhiều người vội vã học cách dùng ChatGPT hay Midjourney thì ít ai nhận ra hiểu đúng và tư duy đúng về trí tuệ nhân tạo mới là yếu tố quyết định vị thế của một cá nhân trong môi trường chuyên nghiệp.

Quyền lực đang thay đổi, và nó thuộc về những người biết "đối thoại", "làm việc nhóm" với trí tuệ nhân tạo (AI).

Nền tảng tư duy là yếu tố quyết định hiệu quả khi làm việc với AI

Gần đây, tôi chứng kiến một điều thú vị: Một bạn trẻ mới ra trường, thành thạo nhiều công cụ AI được mời tham gia một dự án sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, sản phẩm đầu tiên bạn gửi khiến cả nhóm hụt hẫng - bài viết trôi chảy, nhiều dữ kiện, nhưng thiếu trọng tâm và chiều sâu. Cùng lúc đó, một đồng nghiệp ngoài 50 tuổi - người chỉ mới học cách dùng ChatGPT vài tháng - lại tạo ra nội dung ngắn gọn, đúng ý và chạm đến cảm xúc người đọc.

Vì sao hiểu đúng về trí tuệ nhân tạo là 'quyền lực mới'?  - Ảnh 1.

Sinh viên sử dụng AI để học tập và nghiên cứu khoa học ngày càng phổ biến

ảnh: Ngọc Long

Khác biệt không nằm ở công cụ, mà ở cách đặt câu hỏi và tư duy tổ chức thông tin. Trong kỷ nguyên AI, người nắm quyền không nhất thiết là người trẻ hay người giỏi kỹ thuật mà là người hiểu và vận dụng AI một cách thông minh, chiến lược.

Một trong những hiểu lầm phổ biến hiện nay là người trẻ sẽ luôn giỏi AI hơn người lớn tuổi, chỉ vì họ quen thuộc với công nghệ. Nhưng thực tế lại cho thấy AI không tự sinh ra giá trị mà giá trị xuất hiện khi người dùng có tư duy rõ ràng và biết đặt câu hỏi đúng. Trong công ty truyền thông nơi tôi làm việc, nhiều bạn trẻ rất thành thạo ChatGPT, có thể tạo nội dung nhanh chóng. Nhưng khi so với một đồng nghiệp hơn 20 năm kinh nghiệm, người mới học dùng AI, nội dung chị ấy tạo ra lại sâu sắc hơn, đúng giọng điệu thương hiệu và chạm tới mong muốn của khách hàng. Cùng một công cụ, nhưng kết quả khác nhau hoàn toàn vì người đặt đúng câu hỏi sẽ kiểm soát được câu trả lời. Giáo sư Robert Godwin-Jones (Đại học Virginia Commonwealth) khi tham gia chuỗi hội thảo về AI tại Việt Nam cũng chia sẻ rằng ngay cả những giáo viên từng nghi ngại công nghệ, nếu có tư duy sư phạm vững, họ vẫn ứng dụng AI một cách linh hoạt và sáng tạo. Trải nghiệm ấy cho thấy nền tảng tư duy chứ không phải tuổi tác là yếu tố quyết định hiệu quả khi làm việc với AI.

Khi ChatGPT ra đời, nhiều người đổ xô học cách "thuần hóa" công cụ này để hỗ trợ công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra biết dùng chỉ là bước đầu, còn hiểu sâu, đặt câu hỏi đúng và kiểm soát được AI mới là điều quan trọng. Đó là lý do khái niệm AI literacy - hiểu biết và tư duy sử dụng AI đang được xem như một dạng năng lực thiết yếu trong thời đại số.

Theo tổ chức giáo dục Digital Promise (Mỹ), AI literacy không chỉ là khả năng sử dụng công cụ, mà bao gồm cả năng lực đánh giá, điều hướng và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm, đạo đức và hiệu quả trong thực tiễn. Nói cách khác, đây là sự kết hợp giữa kiến thức nền tảng, tư duy phản biện và hiểu biết xã hội không khác gì một "năng lực công dân" mới trong môi trường số.

Hiểu biết về AI đang trở thành một loại "quyền lực nghề nghiệp" mới

Báo cáo của Amazon Web Services công bố năm 2024 cho thấy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người lao động có kỹ năng AI có thể tăng thu nhập trung bình tới 47%. Mặc dù không có số liệu cụ thể cho Việt Nam nhưng điều này cũng cho thấy rõ hiểu biết về AI đang trở thành một loại "quyền lực nghề nghiệp" mới, nơi tư duy quan trọng không kém, thậm chí quan trọng hơn kỹ năng sử dụng công nghệ.

Một báo cáo của Microsoft Việt Nam công bố tháng 3.2024 cho thấy 88% nhân viên tri thức tại Việt Nam đã sử dụng AI tạo sinh trong công việc, con số cao hơn mức trung bình toàn cầu (75%). Đây là bằng chứng rõ ràng rằng AI không còn là "xu hướng tương lai" mà đang là thực tại của mọi tổ chức. Trong môi trường làm việc, người biết tận dụng AI để phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng hay tối ưu quy trình thường được xem là "nguồn lực chiến lược".

Tuy nhiên, song song với làn sóng ứng dụng AI, một khoảng cách mới đang hình thành - không còn dựa trên tuổi tác hay vị trí quản lý, mà dựa vào mức độ hiểu biết và khả năng điều khiển công cụ. Trong cùng một cuộc họp, người có thể nhanh chóng gợi ý một hướng đi mới nhờ AI sẽ tạo ấn tượng mạnh hơn người chỉ trình bày số liệu như cũ. Một đồng nghiệp tôi từng chia sẻ rằng trong quá trình tuyển dụng gần đây, yếu tố "biết ứng dụng AI vào công việc" đang được ưu tiên ngang với kinh nghiệm nghề nghiệp.

Vì sao hiểu đúng về trí tuệ nhân tạo là 'quyền lực mới'?  - Ảnh 2.
Vì sao hiểu đúng về trí tuệ nhân tạo là 'quyền lực mới'?  - Ảnh 3.

Các công cụ AI mà học sinh sử dụng trong học tập

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hiểu biết về AI nếu chỉ dừng ở thao tác kỹ thuật sẽ sớm lỗi thời

Trong làn sóng AI đang cuộn trào khắp mọi lĩnh vực, việc "biết dùng ChatGPT" không còn là điều đặc biệt. Câu hỏi lớn hơn là chúng ta đang dùng AI để tạo ra giá trị gì và có thật sự làm chủ được công cụ hay không? Một khảo sát do Economist Impact thực hiện tại Việt Nam năm 2023 cho thấy 70% người lao động được hỏi thừa nhận rằng họ chưa thực sự hiểu rõ các kỹ năng mà thị trường hiện nay đang yêu cầu. Con số này phản ánh một thực tế đáng suy nghĩ chúng ta đang sống giữa thời đại công nghệ, nhưng nhiều người vẫn chưa biết nên học gì, bắt đầu từ đâu.

Để không bị bỏ lại phía sau, mỗi người - dù là sinh viên mới ra trường hay một quản lý - cần nhìn AI không phải là công cụ nhất thời, mà là năng lực nền tảng trong nghề nghiệp. Và "học AI" không đồng nghĩa với việc phải biết lập trình mà là: Hiểu cách AI hoạt động, đâu là điểm mạnh, điểm yếu; Biết đặt câu hỏi đúng; Dám phản biện kết quả AI đưa ra; Quan trọng nhất kết hợp AI với kinh nghiệm, chuyên môn và mục tiêu cá nhân.

Với người đi làm, AI có thể là "trợ lý chiến lược" nếu bạn biết cách giao việc. Với người trẻ, AI là bệ phóng nếu bạn có đủ tư duy để điều khiển nó. Còn với tất cả chúng ta, AI là lời nhắc rằng kỹ năng chỉ có giá trị nếu đi cùng tinh thần học hỏi và khả năng làm chủ.

Trong thời đại AI, khoảng cách giữa con người và công nghệ không còn được đo bới bằng cấp mà bằng tư duy và khả năng sử dụng công cụ một cách thông minh. Hiểu biết về AI nếu chỉ dừng ở thao tác kỹ thuật sẽ sớm lỗi thời. Nhưng nếu nó trở thành một phần trong cách ta suy nghĩ, ra quyết định và tạo ra giá trị thì đó chính là "quyền lực mới" của người làm nghề.

Bình luận (28)

avatar-user
Van Nguyen

Bài viết hay! TS Hoàng Xuân Phương đã có phân tích rõ ràng, dễ hiểu về việc hiểu đúng AI quan trọng thế nào. Mình thích nhất phần nói về “AI literacy” – một góc nhìn thú vị và đáng để suy ngẫm thêm!

Trả lời 0 19 ngày trước
avatar-user
Bạn đọc mới

Tư duy đúng là quan trọng, nhưng nếu không có kỹ năng thao tác thực tế với công cụ AI thì người dùng vẫn khó đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, tư duy cũng dễ bị lệch nếu thiếu kiến thức nền vững chắc, dẫn đến việc hiểu sai hoặc sử dụng sai kết quả mà AI tạo ra.

Trả lời 0 17 ngày trước
avatar-user
NgocTran

Bài viết phân tích sâu sắc về tầm quan trọng của việc hiểu đúng và vận dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong môi trường chuyên nghiệp. Những ví dụ thực tế được đưa ra minh họa rõ nét rằng nền tảng tư duy và khả năng đặt câu hỏi đúng đóng vai trò quyết định khi làm việc với AI. Đây là một góc nhìn mới mẻ và hữu ích, giúp độc giả nhận thức rõ hơn về "quyền lực mới" trong thời đại số.

Trả lời 0 17 ngày trước
Xem thêm bình luận (25)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.