Sáng 25.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Công chứng sửa đổi. Dự thảo luật nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình.
Nội dung này cơ bản kế thừa quy định hiện hành tại luật Công chứng năm 2014 và nhận được quan tâm của nhiều đại biểu.
Cấm quảng cáo sẽ hạn chế quyền cung cấp thông tin?
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) dẫn quy định tại luật Quảng cáo năm 2012: quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Cạnh đó, Nghị quyết 172/2020 của Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch để đảm bảo an toàn pháp lý, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước.
Theo ông Gia, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin, đặc biệt là ở các địa bàn mà tổ chức hành nghề công chứng mới được thành lập.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì cho rằng quy định cấm như dự thảo sẽ hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Ông đề nghị bãi bỏ nội dung này.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng nhận định việc cấm sẽ hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.
Vị đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức thành người công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chỉ cấm quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng
Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công chứng là dịch vụ công, vì thế nhất định không thương mại hóa.
Dự thảo luật cũng không cấm hoàn toàn các công cụ để tổ chức hành nghề công chứng tự giới thiệu về mình, mà chỉ cấm ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn có thể mở các website để giới thiệu về bản thân hoặc các cách thức khác.
"Cho nên cũng không e ngại lắm về câu chuyện vì cấm quảng cáo mà không giới thiệu được về mình. Cố gắng hoạt động đúng theo chức trách và được người dân, được tổ chức tin tưởng bằng các cách thức khác nhau và đặc biệt là uy tín nghề nghiệp, điều đó quan trọng hơn là quảng cáo mang tính chất thương mại", ông Long nói.
Vẫn theo Phó thủ tướng, nhiều nước trên thế giới cũng cấm hoặc nếu không cấm thì dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc các tổ chức hành nghề công chứng nói về mình dưới hình thức quảng cáo như các doanh nghiệp hoạt động thương mại khác.
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tư pháp cũng cho hay, công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên thực hiện để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội.
Tức là Nhà nước giao cho công chứng viên một phần quyền năng của mình để thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch.
Do vậy, việc quảng cáo về dịch vụ này như đối với các sản phẩm, dịch vụ thông thường là không phù hợp.
Thay vào đó, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải tự xây dựng giá trị và sức hút của mình bằng uy tín nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.
Mặt khác, luật Công chứng hiện hành và dự thảo luật chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa là không được quảng cáo trên các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang hoặc cổng thông tin điện tử.
Trường hợp cần thông tin rộng rãi về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thì vẫn còn nhiều hình thức phù hợp khác như xây dựng các website của tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hoặc tham gia các chương trình tuyên truyền, giải đáp, giáo dục pháp luật…
Chưa kể, các thông tin cần thiết về công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng vẫn thường xuyên được các sở tư pháp cập nhật, công bố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu.
Bình luận (0)