Vì sao học sinh Nhật Bản vắng mặt hơn 30 ngày trong 1 năm học tăng?

04/11/2024 16:20 GMT+7

Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết 346.482 học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông ở nước này vắng mặt hơn 30 ngày trong năm học 2023 (bắt đầu vào tháng 4.2023 kết thúc tháng 3.2024).

Đây là kết quả khảo sát về vấn đề học sinh vắng mặt do Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố vào ngày 31.10, theo tờ Mainichi Shimbun.

Cụ thể, năm học 2023 ghi nhận 346.482 học sinh của các trường từ bậc mầm non đến trung học phổ thông (công lập lẫn tư thục) vắng mặt hơn 30 ngày. Con số này tăng 47.434 trẻ em, tức 15,9%, so với năm học 2022.

Ở Nhật Bản, một học sinh được xem là “nghỉ học dài hạn” (hay vắng học dài hạn) nếu vắng mặt 30 ngày trở lên mỗi năm học vì các yếu tố khác ngoài lý do bệnh tật hoặc tài chính.

Theo kết quả khảo sát, "thiếu động lực" là lý do vắng mặt phổ biến nhất được giáo viên ghi nhận trong lúc tham vấn với học sinh “nghỉ học dài hạn”. Một lý do phổ biến khác là học sinh không được tư vấn trong lúc bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

Đối với nhiều trường hợp, học sinh không nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hoặc cố vấn trong hoặc ngoài trường học và Bộ Giáo dục Nhật Bản đang thúc đẩy các biện pháp giải quyết vấn đề này.

Báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng cho thấy, số lượng học sinh vắng học dài hạn đã tăng trong 11 năm liên tiếp.

Một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản cho rằng con số này gia tăng xuất phát từ việc “ngày càng nhiều phụ huynh nhận thức rằng vắng học dài hạn mang lại cơ hội cho học sinh nghỉ ngơi và suy ngẫm về bản thân".

Tình trạng vắng học xảy ra nhiều ở cấp THCS và THPT. Tuy nhiên, tỷ lệ vắng học dài hạn có xu hướng cao hơn ở các lớp đầu của bậc tiểu học. Bộ Giáo dục Nhật Bản cho rằng do đây là giai đoạn trẻ em chuyển từ mẫu giáo và nhà trẻ lên trường tiểu học.

Vì sao học sinh Nhật Bản vắng mặt hơn 30 ngày trong 1 năm học tăng?- Ảnh 1.

"Thiếu động lực" là lý do phổ biến khiến nhiều học sinh vắng học

ẢNH: AFP

Bộ Giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh "giáo viên chủ nhiệm phải hỗ trợ học sinh" nhưng cứ mỗi ba học sinh thì có khoảng một em không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các chuyên gia, theo tờ Mainichi Shimbun ngày 2.11.

Ngoài ra, số vụ bắt nạt được phát hiện cũng tăng lên 732.568 (tăng 50.620 so với năm học 2022).

Số vụ "vụ bắt nạt nghiêm trọng" trong năm học 2023 đã tăng lên 1.306 (tăng 387) so với năm học 2022. Trong những "vụ bắt nạt nghiêm trọng", có học sinh bị buộc phải nghỉ học dài hạn vì đe dọa tính mạng hoặc làm tổn hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của học sinh khác.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Nhật Bản tin rằng số lượng học sinh vắng mặt hơn 30 ngày xuất phát từ nhiều lý do, chứ không chỉ những vụ bắt nạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.