(TNO) Với tựa đề Sự đi lên ‘đáng kinh ngạc’ của chất lượng trường học Việt Nam, hãng truyền thông BBC vừa đăng bài phân tích các nguyên nhân khiến trường học Việt Nam leo đến vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng chất lượng trường học toàn cầu hồi tháng trước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Xếp hạng của OECD đánh giá Việt Nam vượt Mỹ 16 bậc - Ảnh: Đ.N.T
|
Bài viết trên của tác giả Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục và kỹ năng của OECD. Ông nhận định rằng thành quả kể trên làm kinh ngạc cả các quan chức Việt Nam lẫn các nhà quan sát quốc tế. Theo ông, có 3 nguyên nhân giúp đóng góp cho kết quả ấn tượng này: sự quan tâm của giới lãnh đạo, chương trình giảng dạy tập trung và đầu tư vào giáo viên.
Thanh Niên Online xin dịch lại bài phân tích của Andreas Schleicher đăng trên BBC.
Chi tiêu cao cho giáo dục
|
Bộ GD-ĐT Việt Nam đã thiết kế một chương trình dài hạn, hăng hái học hỏi từ các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất cách triển khai kế hoạch đó cho thành công và sẵn sàng hỗ trợ về mặt tài chính khi cần thiết.
Gần 21% trong số tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ năm 2010 là dành cho giáo dục. Các nhà giáo dục ở đất nước này cũng tạo ra một chương trình giảng dạy tập trung vào việc huấn luyện học sinh hiểu được những kiến thức nòng cốt và thành thạo những kiến thức đó.
Điều này khác biệt với chương trình giảng dạy đề cao mở rộng kiến thức nhưng không tìm hiểu sâu ở rất nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Và đó cũng là lý do tại sao nhiều học sinh Việt Nam vượt trội.
Không chỉ là học vẹt
Học sinh Việt Nam không chỉ được yêu cầu học thuộc lòng những gì được dạy ở lớp, các em cũng phải áp dụng những kiến thức đó trong những tình huống khác.
Học sinh trao đổi sau một kỳ thi - Ảnh: Đ.N.T
|
Trong các lớp học Việt Nam, kỷ luật rất nghiêm ngặt. Giáo viên đặt ra những câu hỏi mang tính thử thách cao cho học sinh. Giáo viên tập trung vào dạy kỹ lưỡng, rõ ràng không quá nhiều kiến thức để giúp học sinh tiến bộ.
Ngoài ra, ở Việt Nam nghề giáo rất được tôn trọng, cả ở trong xã hội và lớp học. Đó có thể là yếu tố truyền thống, cùng lúc cũng phản ảnh sự đề cao vai trò của giáo viên trong hệ thống giáo dục. Vai trò đó không chỉ gói gọn trong việc giảng bài trên lớp, quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của học sinh và hỗ trợ các em. Ở Việt Nam, giáo viên được mong đợi phải đầu tư để trau dồi nghề nghiệp của chính họ và làm việc với mức độ tự chủ về mặt nghề nghiệp rất cao.
Trên thực tế, những giáo viên dạy toán, nhất là ở những ngôi trường còn chịu nhiều thiệt thòi, lại trau dồi nghề nghiệp hơn ở các nước trong OECD nếu đem tính bình quân.
Bên ngoài trường học
Những giáo viên này biết cách để tạo ra môi trường học hành tích cực, duy trì kỷ luật trong lớp học và giúp xây dựng thái độ học hành tích cực ở học sinh.
Phụ huynh - những người luôn đặt kỳ vọng cao lên con cái - cũng góp phần quan trọng. Xã hội Việt Nam, vốn luôn coi trọng giáo dục và sự nỗ lực, là một yếu tố thuận lợi khác.
Những gì mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục sau một quãng thời gian ngắn như vậy quả là kỳ tích. Tuy nhiên, có đến 37% học sinh 15 tuổi ở Việt Nam không đến trường. Và thách thức đặt ra hiện nay là đưa số thiếu niên đó vào guồng. Kết quả cuộc kiểm tra chỉ đánh giá dựa trên những em đến lớp, không đề cập gì đến những thiếu niên không đi học.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ưu tiên hàng đầu phổ cập giáo dục cho tất cả giới trẻ và đến nay, hệ thống giáo dục đã thành công trong việc lôi cuốn những trẻ em thiệt thòi, cho các em được bình đẳng trong giáo dục.
Gần 17% học sinh 15 tuổi nghèo nhất ở Việt Nam nằm trong nhóm 25% những học sinh đạt kết quả cao nhất của tất cả các quốc gia và nền kinh tế tham gia cuộc kiểm tra Pisa của OECD. Để so sánh, con số trung bình các học sinh thiệt thòi ở các nước OECD được đánh giá là “không dễ nản lòng” chỉ ở mức 6%.
Sử dụng kiến thức
Nhưng đạt được và duy trì chất lượng là điều khó hơn rất nhiều so với tăng cường số lượng. Việt Nam sẽ phải cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến chất lượng khi mở rộng đưa kiến thức đến với nhiều trẻ em hơn.
Kinh nghiệm ở các nước đi đầu trong lĩnh vực giáo dục đã cho thấy sự vượt trội thường đi chung với việc để cho các trường học được tự chủ trong chương trình giảng dạy và thi cử.
Truyền thống tôn sư trọng đạo là một yếu tố thuận lợi thúc đẩy giáo dục Việt Nam - Ảnh: Đ.N.T
|
Với Việt Nam, điều này có nghĩa là tìm cách cân bằng giữa sự chỉ đạo từ trung ương với một môi trường linh hoạt và tự chủ cho từng trường.
Ngoài ra, để gặt hái được thành quả tốt nhất từ việc đầu tư cho giáo dục, Việt Nam phải thay đổi không những là ở nguồn cung cấp kiến thức mà còn ở nhu cầu sử dụng các kiến thức đó.
Một đánh giá gần đây đã cho rằng Việt Nam sẽ gặt hái gấp 3 lần GDP hiện nay vào thời điểm 2095 nếu đến năm 2030, tất cả trẻ em đều được đến trường cấp 2 và học được tối thiếu là kiến thức căn bản ở môn toán và khoa học. Thêm một điều kiện không thể thiếu khác: nếu thị trường lao động có thể thu nạp và sử dụng hết tất cả những tài năng đó.
Nếu Việt Nam không tạo ra được một thị trường lao động đòi hỏi kỹ năng cao, những người Việt Nam được đào tạo tới nơi tới chốn sẽ chọn chỗ khác để phô diễn kỹ năng của mình. Tự do hóa thị trường lao động phải được Việt Nam tính tới cùng lúc với việc xây dựng đội ngũ lao động tay nghề cao.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có rất nhiều thách thức nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng đất nước này sẵn sàng và hăng hái chấp nhận cũng như đối mặt với thách thức.
Bình luận (0)