Vì sao huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ?

22/06/2020 15:17 GMT+7

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới.

Nhận biết tăng huyết áp và đột quỵ

Chuyên gia tim mạch của Bệnh viện hữu nghị (BVHN) Việt Đức (Hà Nội), cho biết, có hai chỉ số đại diện cho huyết áp, đó là tâm thu và tâm trương, được tính bằng milimet thủy ngân (mmHg). Huyết áp tâm thu cao hơn (được liệt kê đầu tiên), cho thấy áp lực trong khi tim đang đập, huyết áp tâm trương nhỏ hơn, cho thấy áp lực khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập. Huyết áp bình thường dưới 120/80 mmHg, tăng huyết áp là khi: huyết áp tâm thu ở mức 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 mmHg.
Huyết áp cao có nghĩa là lực đẩy máu vào hai bên động mạch của bạn luôn ở mức cao. Điều này có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc suy thận.
Mỗi năm, tăng huyết áp (THA) gây tử vong 4,9 triệu người do bệnh tim thiếu máu cục bộ; 2 triệu người tử vong do đột quỵ chảy máu não và 1,5 triệu người tử vong do đột quỵ thiếu máu não.
Đột quỵ não là tình trạng tổn thương chức năng thần kinh xảy ra đột ngột, khi mạch máu não (thường là tắc hoặc vỡ động mạch não), gây nên yếu liệt nửa người, rối loạn tri giác. Các triệu chứng trên thường xảy ra đột ngột, có thể tự hồi phục hoàn toàn trước 24 giờ (gọi là đột quỵ não thoáng qua) hoặc tồn tại hơn 24 giờ và thường là nhiều tháng, nhiều năm (đột quỵ thực sự), làm cho người bệnh giảm khả năng làm việc và lao động, gây tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tăng huyết áp dễ dẫn đến đột quỵ

ThS-BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, BVHN Việt Đức cho biết, tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho tim và làm hỏng các động mạch và các cơ quan của bạn theo thời gian. So với những người có huyết áp bình thường, những người bị tăng huyết áp có khả năng bị đột quỵ cao hơn.
Tăng huyết áp lâu ngày làm tăng xơ vữa động mạch, chính sự nứt ra của mảng xơ vữa dẫn đến hình thành cục máu đông, gây ra hẹp tắc lòng mạch. Có đến 87% số người bị đột quỵ là do mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc trong não, dẫn đến giảm lượng máu đến các tế bào não, làm cho các tế bào não bị chết, đây là dạng đột quỵ nhồi máu.
Có khoảng 13% của đột quỵ xảy ra khi một mạch máu bị vỡ trong hoặc gần não, đây là đột quỵ dạng xuất huyết. Chính tăng huyết áp làm cho tăng áp lực các động mạch ở não, làm phát triển vi phình mạch não, dẫn đến một mạch máu nào đó có thể bị vỡ, làm chảy máu trong não.
ThS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Trên thực tế nhiều người bị tăng huyết áp không được chẩn đoán kịp thời. Một số người bệnh tuy đã được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng không điều trị kịp thời, điều trị không liên tục hoặc có điều trị nhưng vẫn không đạt được trị số huyết áp. THA là căn bệnh phổ biến ở những người thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, có bệnh về thận. Nếu không điều trị kịp thời, tăng huyết áp gây nên những biến chứng nguy hiểm như: bệnh động mạch vành; suy tim; bệnh mạch máu não; bệnh thận mạn tính; Bệnh mạch máu ngoại biên; Tổn thương đáy mắt.
Có những yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp mà bạn có thể kiểm soát được như:
Hút thuốc lá và tiếp xúc với người hút thuốc; bệnh tiểu đường; béo phì, thừa cân; cholesterol máu cao; chế độ ăn uống không lành mạnh (nhiều muối, thừa mỡ, uống nhiều rượu); không hoạt động thể chất; tình trạng căng thẳng về tâm lý… Cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm nguy cơ tăng huyết áp. Khi đã có chỉ định dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, cần dùng đều đặn, duy trì theo đơn của bác sĩ, không tự dùng thuốc điều trị. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.