Biến động trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ 2019 khá rõ rệt. Trước hết, đó là sự xuất hiện của khách Ấn Độ trong top 10, khi tăng từ 25.000 lượt năm 2019 lên 79.000 lượt khách hay khách Campuchia tăng từ 23.000 lượt lên 79.000 lượt.
Thứ tự 10 thị trường khách dẫn đầu cũng thay đổi khi Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc, vươn lên vị trí số 1, đạt 844.000 lượt khách, tăng 9,3%. Đài Loan chiếm vị trí thứ ba của Nhật Bản để nằm trong top 3 thị trường khách quốc tế lớn nhất, đạt 198.000 lượt khách, tăng 4%. Trong khi đó, hai thị trường khách nguồn truyền thống quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam là Nhật Bản và Trung Quốc vẫn giảm mạnh, chưa thể hồi phục sau đại dịch. Cụ thể, Trung Quốc giảm gần một nửa, từ 889.000 lượt khách năm 2019 xuống còn 538.000 lượt; Nhật Bản giảm từ 158.000 lượt xuống còn 107.000 lượt trong 2 tháng đầu năm.
Các nước mạnh tay miễn thị thực
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, đơn vị chuyên làm tour thị trường tiếng Hoa, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến khách Trung Quốc phục hồi chậm ở Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến các đường bay thường lệ tới các điểm đến chưa trở lại bình thường, kinh tế Trung Quốc suy yếu khiến người dân hạn chế đi du lịch nước ngoài... Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là ở khu vực Đông Nam Á, sau đại dịch, các quốc gia tăng tốc trong cuộc đua thu hút khách bằng việc miễn thị thực cho khách Trung Quốc. Mở đầu là Thái Lan, đất nước này vào năm ngoái thử nghiệm miễn thị thực cho du khách Trung Quốc trong 6 tháng nhưng sau đó đã tiến một bước mạnh hơn khi áp dụng không thời hạn, bắt đầu từ tháng 3 năm nay.
Tiếp theo là Malaysia miễn thị thực cho khách Trung Quốc từ tháng 12.2023 và Singapore từ tháng 2.2024. Kết quả, những điểm đến này thu hút một lượng khách Trung Quốc khổng lồ, giúp Thái Lan đón 23,4 triệu khách quốc tế năm 2023, Malaysia đạt 26,1 triệu lượt và Singapore vươn lên vị trí thứ 3 Đông Nam Á, với 11,3 triệu lượt, đứng trên Việt Nam.
Hiệu quả đồng bộ của miễn visa cùng đa dạng sản phẩm du lịch cũng giúp Thái Lan đón 1 triệu khách Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2024, gấp đôi Việt Nam, và cán mức gần 6 triệu khách quốc tế chỉ trong 2 tháng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến hiện nay khá tương đồng về mặt cảnh quan ở khu vực Đông Nam Á, nơi nào nới lỏng các chính sách thị thực nhất, đặc biệt là miễn thị thực, nơi đó chính là điểm nóng thu hút du khách quốc tế. Các nước Thái Lan, Malaysia hay Singapore đã không bỏ lỡ cơ hội đó để đón khách Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khách giàu có ở châu Âu, Mỹ, Úc…
Người Nhật giảm du lịch nước ngoài
Đối với khách Nhật Bản, tình trạng giảm số lượng kéo dài từ năm ngoái đến nay, phục hồi chỉ bằng 60% so với thời điểm 2019, trong khi Nhật được Việt Nam miễn thị thực. Một trong những nguyên nhân được xác định là do người Nhật ngày càng ít chuộng đi du lịch nước ngoài.
Theo ước tính của công ty du lịch hàng đầu Nhật Bản JTB vào cuối năm 2023, số lượng khách du lịch nước ngoài của Nhật Bản trong kỳ nghỉ cuối năm và năm mới ở khoảng 70% so với năm 2019 - trước đại dịch.
Tại sân bay Haneda ở Tokyo vào dịp cuối năm được cho là "chỉ đông đúc vào sáng sớm và tối muộn, khi có nhiều du khách nước ngoài đến đây đáp chuyến bay về nước".
Số liệu của JTB cho thấy, du khách Nhật Bản ra nước ngoài trong kỳ nghỉ cuối năm và năm mới đạt 580.000, gấp 2,6 lần so với năm tài chính trước. Tuy nhiên, con số này giảm 30% so với con số của năm tài chính 2019. Số chi phí đi lại của mỗi người là 222.000 yen, giảm 7,9% so với năm tài chính trước.
Theo Japan News, du lịch nước ngoài của Nhật Bản phục hồi chậm chủ yếu là do đồng yen yếu. Trong khi đồng yen giao dịch quanh mức 110 yen so với đồng đô la vào năm 2019, giá trị của đồng tiền này đã giảm gần 40 yen, có nghĩa là du khách Nhật Bản sẽ phải trả chi phí mua sắm và ăn uống ở nước ngoài nhiều hơn.
Chủ tịch JTB Eijiro Yamakita cho biết: "Tùy thuộc vào điểm đến du lịch, chi phí sẽ cao gấp đôi so với mức trước đại dịch". Đây rõ ràng là một yếu tố cản trở nhu cầu du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, tỷ lệ người có hộ chiếu đang giảm. Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác, tỷ lệ người có hộ chiếu trong số công dân Nhật Bản dao động quanh mức 25% trước đại dịch. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 17% vào năm 2022, đồng nghĩa với việc có ít cơ hội đi du lịch. Ngoài ra, một số người hết hạn hộ chiếu trong thời kỳ đại dịch được cho là đã quyết định không làm hộ chiếu mới.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp ở TP.HCM chuyên về thị trường khách Nhật Bản cho rằng, kinh tế Nhật tăng trưởng kém, đồng tiền yếu chỉ là nguyên nhân khách quan khiến khách Nhật đến Việt Nam giảm.
"Rõ ràng, sau đại dịch, công tác xúc tiến quảng bá điểm đến của Việt Nam ở thị trường Nhật bị bỏ bê. Người Nhật có thói quen 'nghe tận mắt, thấy tận tay', nên việc xúc tiến quảng bá là cực kỳ quan trọng để tiếp cận họ. Thời điểm 2013 - 2018, du lịch Việt Nam luôn đẩy mạnh quảng bá ở thị trường Nhật và đã mang lại kết quả khi đón làn sóng du khách Nhật. Nhưng người Nhật khó tính, nếu không làm mới điểm đến, bao gồm dịch vụ và sản phẩm, thì rất khó thuyết phục họ quay lại. Có thể nhận thấy, làn sóng du khách Nhật ở Việt Nam đang trôi qua", vị này phân tích.
Dữ liệu được tổng hợp bởi công ty du lịch lớn của Nhật H.I.S cho thấy, các điểm đến du lịch phổ biến trong kỳ nghỉ cuối năm và đầu năm chủ yếu tập trung ở các nước châu Á, nơi chi phí đi lại khá hợp lý và có hãng hàng không giá rẻ cung cấp các chuyến bay từ Nhật Bản.
Theo đó, 10 điểm đến hàng đầu của du khách Nhật Bản trong dịp năm mới 2024 không có Việt Nam, bao gồm: Seoul, Taipei, Honolulu, Bangkok, Guam, Busan, Singapore, Cebu, Cairns, Paris.
Bình luận (0)