Vì sao không nên ăn nhiều hồng ngay sau khi ăn khoai lang?

Lê Cầm
Lê Cầm
24/05/2022 09:02 GMT+7

Tôi nghe nói không được ăn quả hồng ngay sau khi ăn khoai lang vì có thể gây viêm loét dạ dày. Xin hỏi bác sĩ có đúng không, vì sao có hiện tượng này? ( H.Lan , 32 tuổi, Đà Nẵng )

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, trả lời:

Trong khoai lang có chứa nhiều đường và tinh bột. Các hợp chất này có thể lên men trong đường ruột nếu ăn nhiều và kích thích tiết axit. Trong quả hồng có chứa nhiều tannin (chất chát trong thực vật), đặc biệt là axit tannic. Nếu cả hai được ăn cùng một lúc, nó sẽ tạo thành kết tủa không dễ tiêu hóa. Khi lượng kết tủa tạo ra nhiều có thể gây kích ứng dạ dày, viêm loét dạ dày….

Nhưng thông thường khi chúng ta ăn quả hồng và khoai lang, chúng ta cũng cũng chỉ ăn một hai quả. Chúng ta không ăn khoai lang, hồng với lượng nhiều như cơm, vì vậy lượng chất tiết ra sẽ không đủ để gây nguy hiểm. Đặc biệt, 2 loại thực phẩm này cũng chứa rất nhiều chất xơ, pectin... là những chất có lợi, giúp nhuận tràng.

Không nên ăn hồng hay khoai lang vào lúc đói hay ăn cùng lúc với lượng nhiều

shutterstock

Do đó, chúng ta vẫn có thể ăn riêng hoặc chung 2 loại thực phẩm này nhưng với số lượng vừa phải và không nên ăn lúc bụng quá đói. Vì khoai lang chứa nhiều đường có thể gây phản ứng tiết axit cùng tannin trong hồng đều có thể kích thích dạ dày gây khó chịu. Nói chung có thể ăn khoai lang vừa phải không vượt quá 200 g, hồng nên ăn 1-2 quả một lần khi bụng không quá đói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.