Vì sao không nên châm nước thường vào bình chứa nước làm mát trên ô tô?

Hoàng Cường
Hoàng Cường
08/08/2024 12:42 GMT+7

Nước làm mát có cấu tạo, thành phần khác với nước lọc thông thường, do đó người dùng ô tô không nên sử dụng nước lọc để bổ sung thay cho dung dịch nước làm mát ô tô.

Trên mỗi chiếc ô tô sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu có nhiều loại dung dịch khác nhau cần kiểm tra, bổ sung hoặc thay thế định kỳ. Trong đó, nước làm mát là một trong những dung dịch quan trọng nhất góp phần giúp động cơ ô tô hoạt động ổn định. Thông thường, nước làm mát trên ô tô thường được nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên thay thế sau mỗi 40.000km, hoặc khi bị hao hụt dưới mức tối thiểu cần châm thêm.

Vì sao không nên châm nước thường vào bình chứa nước làm mát trên ô tô?- Ảnh 1.

Nước làm mát có cấu tạo, thành phần khác với nước lọc thông thường

Trong quá trình sử dụng ô tô, một số chủ xe khi kiểm tra thấy bình chứa nước làm mát bị hao hụt thường thắc mắc, có nên sử dụng nước lọc thông thường để bổ sung thêm vào bình chứa nước làm mát ô tô hay không (!?)

Liên quan đến vấn đề này, anh Ngô Khắc Trí, kỹ thuật viên của một gara sửa chữa ô tô tại TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, người dùng không nên châm nước thường vào bình chứa nước làm mát trên ô tô. Bởi về cơ bản, nước làm mát có cấu tạo, thành phần khác với nước lọc thông thường. Do đó, nếu đổ thêm nước lọc bổ sung vào bình chứa nước làm mát có thể gây hại cho động cơ.

Trước hết, theo anh Trí, nước làm mát động cơ ô tô thường có nhiều loại khác nhau, về cơ bản đều có các thành phần chính là nước, chất làm mát ethylene glycol, chất chống rỉ sét… Loại dung dịch này thường có nhiều màu sắc như xanh lá cây hoặc hồng…, để giúp người dùng có thể phân biệt giữa nước làm mát với các chất lỏng khác trong khoang động cơ ô tô.

Vì sao không nên châm nước thường vào bình chứa nước làm mát trên ô tô?- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia sửa chữa ô tô, khi quan sát thấy bình nước làm mát bị hao hụt, chủ xe không nên sử dụng nước lọc để châm thêm

Nước lọc thông thường có nhiệt độ sôi khoảng 100 độ C (nhiều hay ít tùy thuộc vào áp suất không khí), trong khi nước làm mát động cơ ô tô có thể có nhiệt độ sôi trên 120 độ C. Do đó, việc sử dụng nước lọc có thể làm lỏng, thay đổi thành phần nước làm mát dẫn đến hiệu suất làm mát giảm. Trong khi sử dụng nước làm mát sẽ giúp duy trì hiệu quả làm mát tốt hơn.

Bên cạnh đó, nước làm mát còn có đặc tính chống tạo bọt, giúp ngăn ngừa bọt khí hình thành trong hệ thống làm mát. Những bọt khí này được coi là nguyên nhân quan trọng cản trở việc tản nhiệt.

Đặc biệt, nước làm mát còn có đặc tính chống ăn mòn và rỉ sét. Nó khác với nước lọc thông thường có thể gây rỉ sét xung quanh nhiều bộ phận khác nhau bên trong động cơ, chẳng hạn như đầu xi lanh, máy bơm nước, van nước, bộ tản nhiệt, bao gồm các ống cao su và ống dẫn khác nhau… Theo thời gian sẽ khiến các chi tiết này bị ăn mòn nhanh chóng, kéo theo tuổi thọ động cơ giảm.

Vì sao không nên châm nước thường vào bình chứa nước làm mát trên ô tô?- Ảnh 3.

Nước lọc thông thường có thể gây rỉ sét xung quanh nhiều bộ phận khác nhau bên trong động cơ, chẳng hạn như đầu xi lanh, máy bơm nước, van nước

Với những đặc tính của nước làm mát, theo các chuyên gia sửa chữa ô tô, khi quan sát thấy bình nước làm mát bị hao hụt, chủ xe không nên sử dụng nước lọc để châm thêm. Thay vào đó, nên tiếp tục sử dụng nước làm mát để ngăn ngừa rỉ sét hình thành trong hệ thống làm mát. Bên cạnh đó, cần theo dõi để thay thế nước làm mát định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả làm mát cho động cơ ô tô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.