Vì sao Không quân Mỹ vẫn cần máy bay chiến đấu cánh quạt?

23/02/2021 19:07 GMT+7

Với tính năng nhỏ gọn và trang bị các thiết bị điện tử hiện đại, máy bay chiến đấu hạng nhẹ động cơ cánh quạt vẫn được Không quân Mỹ và một số nước sử dụng trong nhiều nhiệm vụ thay cho các chiến đấu cơ phản lực đắt tiền.

Ngày 17.2 vừa qua, Không quân Mỹ tiếp nhận chiếc máy bay chiến đấu một động cơ cánh quạt đầu tiên AT-6E Wolverine (hãng Beechcraft thuộc Textron chế tạo), theo thông báo của tập đoàn Textron. Đây là mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ phát triển từ dòng máy bay huấn luyện T-6 Texan II vốn dùng đào tạo phi công cơ bản.

Máy bay kiểu cổ điển, tính năng hiện đại

Trước đó, Không quân Mỹ có kế hoạch mua tối thiểu 3 chiếc loại này phục vụ cho chương trình gọi là Mạng lưới chuyển tiếp thông tin mở rộng trên không (AEROnet). AEROnet nhằm phát triển cơ cấu truyền phát thông tin và chia sẻ dữ liệu với chi phí thấp nhằm hỗ trợ các lực lượng đồng minh và đối tác phối hợp cùng nhau trong các chiến dịch liên kết.

AT-6 Wolverine phát triển từ dòng máy bay huấn luyện T-6 Texan II vốn dùng đào tạo phi công cơ bản

Textron

AT-6 được chế tạo như loại chiến đấu cơ hạng nhẹ và kiêm chức năng trinh sát, giám sát và tình báo. AT-6 khác với máy bay huấn luyện T-6 Texan II ở chỗ nó có đến 6 giá treo dưới cánh, có thể mang được các loại vũ khí như bom dẫn đường chính xác bằng laser; tên lửa, rocket dẫn đường bằng laser, và súng máy.

Tuy dùng một động cơ cánh quạt nhưng AT-6 lại được trang bị các thiết bị quang điện tử hiện đại, các cảm biến tân tiến, hệ thống thông tin liên lạc với vệ tinh... AT-6 còn có máy tính tương tự của loại máy bay cường kích diệt tăng A-10 và hệ thống điều khiển trong khoang lái tương tự của tiêm kích F-16.

Máy bay này có thể đóng vai trò trạm chuyển tiếp thông tin trên không cho các lực lượng mặt đất, vốn lâu nay phải dựa vào các máy bay trinh sát cỡ lớn, đắt tiền, theo The Drive. Chưa kể AT-6 còn có thể tham gia tấn công như máy bay chiến đấu với chi phí vận hành rẻ, giảm bớt việc duy trì đội máy bay chiến đấu phản lực tốn kém trong tình hình thế giới hiện tại không cần đến việc phải sử dụng các chiến đấu cơ đắt tiền.

AT-6 Wolverine trong một lần thử nghiệm ném bom GBU-12 (250 kg) dẫn đường bằng laser tại sa mạc Arizona, Mỹ, năm 2011

Không quân Mỹ

Nhỏ nhưng có võ

Máy bay chiến đấu dùng động cơ cánh quạt được sử dụng phổ biến trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ 1 và 2. Một thời gian dài người ta cho rằng thời của máy bay cánh quạt đã qua, thay thế bằng máy bay chiến đấu phản lực tốc độ cao, bay xa...

Trong bài viết trên Forbes vào năm 2017, đại tá không quân Mỹ Michael Pietrucha cho rằng sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, các phi đội chiến đấu cơ phản lực của Mỹ chỉ tham chiến thực sự trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991 và chiến tranh tại Afghanistan và Iraq sau sự kiện 11.9.2001.

Từ đó đến nay khi có yêu cầu hỗ trợ hỏa lực trên không từ các cuộc giao tranh ở Afghanistan và Iraq vốn quy mô nhỏ, việc quân đội Mỹ phải huy động các chiến đấu cơ như F-16, F-15, F-18 được cho là phí phạm quá mức. Vì vậy nhu cầu về một loại máy bay nhỏ gọn, rẻ tiền nhưng đầy đủ tính năng tác chiến như các dòng tiêm kích nói trên được đặt ra.

Chiếc AT-6E Wolverine đầu tiên được chính thức bàn giao cho Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Wright-Patterson ở bang Ohio ngày 17.2.2021

Textron

Loại máy bay chiến đấu cánh quạt A-29 Super Tucano (hãng Embraer của Brazil liên kết với Sierra Nevada Corporation của Mỹ) và AT-6 Wolverine được cho đáp ứng nhu cầu này. Loại máy bay này sử dụng tốt ở chiến trường Trung Đông với 2 chỗ ngồi, bọc giáp nhẹ, trang bị các thiết bị quang điện tử hoạt động tốt cả ngày lẫn đêm, cùng các vũ khí có độ chính xác cao.

Đặc biệt các dòng máy bay này rất tiết kiệm nhiên liệu so với máy bay chiến đấu phản lực. Chúng có thể hoạt động gấp đôi thời gian của máy bay phản lực mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Số nhiên liệu mà 1 chiếc F-16 sử dụng để lăn bánh ra đường băng cất cánh là đủ dùng 1 giờ cho 1 máy bay cánh quạt chiến đấu hạng nhẹ, theo Forbes.

Rất khó bị bắn hạ

Về khả năng bị bắn hạ, các máy bay cánh quạt được cho là không phải mục tiêu ưu tiên của những hệ thống phòng không hiện đại (và cũng rất đắt tiền) vốn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cao cấp như tiêm kích phản lực, máy bay ném bom, tên lửa...

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ cánh quạt hoạt động chủ yếu ở những khu vực tranh chấp nhỏ, nơi vốn sử dụng vũ khí phòng không cơ bản là các loại tên lửa tầm nhiệt vác vai cùng súng máy, pháo phòng không. Tuy vậy máy bay cánh quạt lại có những ưu điểm về sống sót cao hơn hẳn máy bay phản lực.

Buồng lái AT-6 trang bị các thiết bị điện tử hàng không hiện đại ngang ngửa các máy bay thế hệ 4 như F-16

Textron

Hoạt động êm: Hầu hết xạ thủ phòng không trên mặt đất chủ yếu nghe tiếng động cơ máy bay để xác định hướng di chuyển của mục tiêu và nhắm bắn. Nhưng máy bay chiến đấu cánh quạt bay rất êm, khó phát hiện. Tác giả bài báo trên Forbes cho biết kinh nghiệm trong sử dụng loại AT-6 và A-29 cho thấy rất khó phát hiện âm thanh của chúng, và một khi bạn nghe được âm thanh của chúng nghĩa là bạn đã nằm trong tầm bắn của các máy bay này.

Không phát ra nhiệt: Các tên lửa tầm nhiệt dựa vào bức xạ nhiệt phát ra từ động cơ hay thân máy bay (nhiệt do ma sát khi bay tốc độ nhanh) để dò tìm và lao tới mục tiêu. Luồng khí thải của động cơ cánh quạt bị gió tản mát và cũng không đủ nóng để làm sôi một ly nước. Thêm vào đó là máy bay còn có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa của đối phương và đối phó bằng cách bắn pháo sáng để chống tên lửa. Do vậy máy bay chiến đấu hạng nhẹ như AT-6 và A-29 có thể ít bị tên lửa tầm nhiệt đe dọa hơn máy bay chiến đấu phản lực.

Bay êm, khó bị bắn hạ, AT-6 Wolverine thực sự là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ đáng gờm

Textron

Nhỏ nên khó bị bắn trúng: Nhìn từ phía mũi máy bay (khi máy bay lao tới) thì 1 chiếc AT-6 hay A-29 hiện diện như một mục tiêu rất nhỏ (AT-6 nhỏ chỉ bằng 1/2 chiếc máy bay cường kích diệt xe tăng A-10), vì vậy khiến xạ thủ pháo phòng không rất khó nhắm bắn. Theo đại tá Michael Pietrucha, kinh nghiệm 15 năm chiến đấu với các lực lượng cực đoan ở nhiều chiến trường cho thấy máy bay chiến đấu cánh quạt bay nhanh hơn trực thăng lại hiếm khi bị các loại súng cỡ nhỏ bắn trúng, và chưa từng bị rơi.

Do vậy, các máy bay chiến đấu hạng nhẹ động cơ cánh quạt nói chung và máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu dùng động cơ cánh quạt vẫn còn hữu dụng trong thời đại ngày nay.

Philippines mua 6 máy bay chiến đấu cánh quạt A-29 Super Tucano

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ A-29 Super Tucano của Không quân Philippines tại căn cứ Clark

Không quân Philippines

Vào ngày 14.10.2020, Không quân Philippines tiếp nhận 6 chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ động cơ cánh quạt A-29 Super Tucano. Loại máy bay này sử dụng cho các mục đích tấn công, hỗ trợ mặt đất, trinh sát, tuần tiễu, huấn luyện. Đến nay có 15 nước sử dụng loại máy bay này, theo EDR online.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.