Vì sao không uống rượu mà vẫn bị bệnh gan?

Thiên Lan
Thiên Lan
08/10/2019 13:49 GMT+7

Tổn thương gan là hậu quả của việc uống quá nhiều rượu. Thế nhưng, thật oan uổng khi không uống rượu mà nồng độ cồn trong máu vẫn tăng cao, gây hại cho gan.

Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời đến từ phát hiện của một nghiên cứu mới nhất, cho thấy một số chủng vi khuẩn đường ruột có thể lên men carbohydrates thành nồng độ cồn cao và gây tổn thương gan, theo IFL Science.
Khoảng 1/4 người trưởng thành trên thế giới dù không uống bia rượu, vẫn bị bệnh gan gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, các chất béo tích tụ trong gan theo kiểu người nghiện rượu nặng, cản trở chức năng gan.
Chưa ai biết nguyên nhân tại sao, nhưng một bài báo đăng trên tạp chí Chuyển hóa Tế bào đã chỉ ra nguyên nhân.

Từ một bệnh nhân bị hội chứng tự động lên men rượu

Bác sĩ Jing Yuan từ Viện Nhi khoa Thủ đô ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trường hợp của một bệnh nhân nặng mắc gan nhiễm mỡ khá nặng dù không uống rượu.
Bệnh nhân này không uống rượu nhưng lại bị say rượu mỗi khi ăn thực phẩm nhiều đường, một tình trạng gọi là hội chứng tự động lên men rượu, trong đó vi khuẩn trong ruột tự động lên men carbohydrate thành rất nhiều cồn, gây tăng nồng độ cồn trong máu.
Tình trạng này thường do nhiễm nấm men, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy chất cồn trong cơ thể anh được tạo ra không phải do men, mà là do vi khuẩn gây ra.
Bác sĩ Yuan cho biết: Khi cơ thể bị quá tải và không thể phân hủy chất cồn do những vi khuẩn này tạo ra, có thể bị bệnh gan nhiễm mỡ ngay cả khi không uống bia rượu.
Sau khi phân tích, các tác giả đã xác định thủ phạm gây ra điều này là các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumonia (vi khuẩn K.). Vi khuẩn này hoạt động trong ruột như men được sử dụng để ủ bia và rượu vang.
Mặc dù hầu hết mọi người có vi khuẩn K. trong hệ thống tiêu hóa, hầu hết chỉ sản xuất một lượng nhỏ cồn và gan hoàn toàn có thể dễ dàng loại bỏ.
Tuy nhiên, ở những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu, các chủng vi khuẩn trong ruột của họ có thể tạo ra lượng cồn gấp 4 - 6 lần so với các giống khác.
Ở bệnh nhân này, vi khuẩn đã tạo lượng rượu tương đương với uống 15 ngụm whisky. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi vi khuẩn có thể tạo ra nhiều cồn như vậy.

Vi khuẩn gây lên men rượu trong ruột gây ra bệnh gan nhiễm mỡ?

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích vi khuẩn đường ruột của 100 người gồm cả bệnh nhân gan nhiễm mỡ và không mắc gan nhiễm mỡ.
Kết quả có đến 61% bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu, có vi khuẩn đường ruột tạo nồng độ cồn cao, nhiều gấp 10 lần so với chỉ 6,2% ở nhóm đối chứng.
Trong một phân tích tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã đo nồng độ cồn trong máu của một nhóm tình nguyện viên sau khi thử nghiệm cho họ uống đường glucose.
Kết quả lại cho thấy độ cồn trong máu ở những người trong nhóm mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, cao gấp 3,5 lần so với nhóm đối chứng.
Để xác nhận lượng cồn này có phải là tác nhân thực sự gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hay không, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang mô hình chuột.
Bác sĩ Yuan đã cho chuột ăn các chủng vi khuẩn K. lên men mạnh, và trong vòng 1 tháng, gan của chúng đã xuất hiện sự tích tụ mỡ. Sau một tháng nữa, gan bị xơ, dấu chỉ của tổn hại lâu dài, tương đương với những con chuột đã uống rượu.
Khi loại bỏ vi khuẩn K., các tác hại trên gan cũng dừng lại.
Gan nhiễm mỡ không do rượu là một bệnh phức tạp và có thể có nhiều nguyên nhân, bác sĩ Yuan nói. Nghiên cứu này cho thấy vi khuẩn K. rất có thể là một trong những nguyên nhân đó. Những vi khuẩn này gây hại cho gan giống như rượu và không thể tránh được.
Công trình đang tiếp tục với hai mục tiêu, xác định lý do tại sao các chủng lên men lây nhiễm cho một số người mà không lây nhiễm những người khác và tìm kiếm phương pháp điều trị, ngoài việc giảm tiêu thụ đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.