Vì sao Khu đô thị Dầu Giây bị kiến nghị thanh tra ?

Lê Lâm
Lê Lâm
29/05/2023 05:50 GMT+7

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong xây dựng dự án khu dân cư A1 - C1 (Khu đô thị - KĐT Dầu Giây) với diện tích hơn 96 ha tại TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất, Đồng Nai).

11 năm chưa xong hạ tầng

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND H.Thống Nhất cho biết dự án KĐT Dầu Giây được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty TNHH đầu tư Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín) đầu tư tại Quyết định số 3317/QĐ-UBND ngày 12.12.2011 với tổng diện tích hơn 96 ha. Nguồn gốc là đất cao su do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng. Dự án được UBND H.Thống Nhất phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích với số tiền trên 75 tỉ đồng (trong đó bồi thường, hỗ trợ Tổng công ty cao su Đồng Nai 63,6 tỉ đồng). Số tiền này được chủ đầu tư nộp qua nhiều năm (từ 2013 - 2017). Dự án đến nay đã qua 11 năm nhưng chỉ mới cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 53 ha. Còn lại hơn 43 ha công ty chưa triển khai thực hiện do chưa được UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến vướng mắc các thủ tục.

Vì sao Khu đô thị Dầu Giây bị kiến nghị thanh tra ?   - Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị Dầu Giây

Lê Lâm

Lãnh đạo UBND H.Thống Nhất nhận định, tiến độ dự án KĐT Dầu Giây chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; làm mất mỹ quan đô thị; người dân không thể xây dựng nhà cửa, kinh doanh, buôn bán mặc dù đã đóng tiền 95% giá trị đất cho công ty.

Kiến nghị thanh tra vào cuộc

Tại buổi làm việc, ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH, cho rằng hiện nay chủ đầu tư đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể xây dựng hạ tầng, chưa xây hệ thống nước thải dẫn đến ô nhiễm và chưa được cấp sổ đỏ khiến người dân khiếu kiện. Ông Cường đề nghị chính quyền nhanh chóng tháo gỡ, gia hạn giấy phép đầu tư để Công ty Phú Việt Tín tiếp tục thực hiện dự án, sớm cấp sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi của người dân...

Bên cạnh đó, ông Cường cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ tính pháp lý của dự án; làm rõ việc góp vốn giữa Tổng công ty cao su Đồng Nai với Công ty Phú Việt Tín...

Nêu ý kiến tại buổi giám sát, ĐBQH Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho rằng dự án KĐT Dầu Giây liên quan tài sản công, do đó cần thanh tra để làm rõ tính pháp lý.

Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cùng ý kiến: "Dự án này kéo dài nhiều năm, qua các lần tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh, nên cần thanh tra toàn diện để giải quyết quyền lợi của người dân. Đồng thời làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, nếu thanh tra thấy có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra".

Trong khi đó, ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đã giao Sở TN-MT phối hợp Sở Tài chính, UBND H.Thống Nhất cùng các đơn vị liên quan rà soát lại sử dụng tài sản công qua từng thời kỳ, các quy định có liên quan để xem xét xác định diện tích dự án có phải trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. "Sau khi rà soát toàn bộ dự án, nếu thấy phức tạp, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cho phép chuyển vụ việc qua cơ quan thanh tra để thực hiện các bước tiếp theo, đó là quan điểm của tỉnh", ông Đức nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.