Đây là nhận định của Michael Heise, nhà kinh tế trưởng tại hãng Allianz Group.
Động thái giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương, từ Nhật Bản cho đến cộng đồng sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), từng làm lo lắng các thị trường tài chính. Giới đầu tư phải trả tiền cho chính phủ khi ký gửi quỹ của họ, còn nhà băng thương mại thì phải cân nhắc việc lưu trữ tiền mặt tốn kém trong các hầm chứa, thay vì giữ chúng ở ngân hàng trung ương.
Mặc cho biện pháp kích thích kể trên được tung ra, tăng trưởng kinh tế những khu vực trên vẫn còn yếu ớt. “Về cơ bản, chính sách tiền tệ đã hoàn thành trách nhiệm của nó trong việc kích thích nền kinh tế”, ông Heise cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh CNBC tại Singapore.
Cuối tháng 1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khiến giới tài chính toàn cầu bất ngờ qua việc lần đầu tiên áp dụng lãi suất âm, động thái đáng lẽ phải kích thích dòng chảy ra của nội tệ. Tuy nhiên, yên Nhật lại tăng mạnh và dấu hiệu của các tác động được kỳ vọng, chẳng hạn như những khoản vay ngân hàng tăng lên, thì rất hiếm.
“Tác động của chính sách tiền tệ thực sự đi ngược, và cho thấy giới hoạch định chính sách đang đối mặt rất nhiều sự không chắc chắn. Họ thậm chí còn không chắc được rằng các công cụ của họ sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế”, ông Heise nhận định.
Allianz Group là hãng quản lý 1.723 tỉ EUR, tương đương 1.950 tỉ USD, tính đến cuối năm 2015. Công ty lưu ý rằng lãi suất thấp đến mức dưới 0 không khuyến khích chi tiêu như những gì sách giáo khoa kinh tế đã viết.
“Khá đáng chú ý khi tỷ lệ tiết kiệm không đi xuống, dù tiết kiệm xét về mặt lợi nhuận thì hoàn toàn chẳng hấp dẫn”, ông Heise nói. Chuyên gia ở hãng Allianz cho biết thêm: “Có mối lo ngại rằng tiền bạc không được tích lũy theo cách mà người ta có thể lo cho thu nhập hưu trí, hoặc các mục tiêu khác khi bạn tiết kiệm”.
Điều này làm tỷ lệ tiết kiệm “hoàn toàn không đàn hồi”, trong khi chi phí vốn thấp tương tự cũng làm giảm đầu tư. Ông Heise cho hay tiêu dùng chỉ tăng ở Đức vì lương bổng có đi lên.
Chi phí vốn thấp đồng nghĩa với “chi phí cơ hội”, hay chi phí bỏ ra để đầu tư khoản này so với khoản khác, hay so với không đầu tư gì, cũng thấp. Đây có thể là yếu tố khuyến khích các doanh nghiệp đơn giản là tiếp tục chờ đợi.
Ngoài ra, lãi suất thấp cũng không thúc đẩy những khoản vay ngân hàng. “Cho vay ngân hàng không tăng chỉ vì lãi suất thấp hoặc có rất nhiều thanh khoản. Thanh khoản chưa bao giờ là vấn đề đối với cho vay ngân hàng. Tình hình vốn của các ngân hàng, và chuyện thiếu nhu cầu vay vốn của khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình mới là vấn đề”, ông Heise nói.
Dù vậy, chuyên gia của hãng Allianz cũng chỉ ra các dấu hiệu cho thấy tình hình đang thay đổi ở châu Âu khi nền kinh tế có phục hồi: “Dần dần, các doanh nghiệp trở nên can đảm hơn để có một số khoản vay, nhưng nó không liên quan đến chuyện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đi mua trái phiếu chính phủ”.
tin liên quan
'Bài thuốc' của các ngân hàng trung ương đã hết hiệu nghiệm?Nhiều nhà đầu tư giờ đây gần như không còn tin rằng các ngân hàng trung ương có đủ sức để chuyển hướng nền kinh tế.
Ở châu Á, thay đổi theo hướng cải cách cơ cấu là tốt hơn so với việc chỉ dựa vào chính sách tiền tệ. Ông Heise cho rằng nỗ lực thay đổi có thể khác nhau giữa các quốc gia, đa dạng từ cải cách doanh nghiệp quốc doanh kém hiệu quả, tập trung vào cơ sở hạ tầng, chi tiêu giáo dục đến thu hút đầu tư nước ngoài và chống tham nhũng.
Nhắc đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chuyên gia cho rằng động thái tăng lãi suất có khả năng ở phía trước. Ông đặt cược nhiều hơn 50% rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 7, vì hiện có quá nhiều lý do để Fed làm điều này, trong đó có tình hình thị trường lao động Mỹ đang trong trạng thái tốt.
Bình luận (0)