(Tin Nóng) Trong chiến tranh Việt Nam, vũ khí mà các lính đặc nhiệm Mỹ ưa thích không phải là khẩu M-16 của Mỹ, mà là súng trường AK-47 chiến lợi phẩm. Thậm chí quân đội Mỹ phải âm thầm sản xuất đạn cho số súng AK này.
Sĩ quan Mỹ thử súng AK tại trường bắn ở Tbilisi, Georgia năm 2003 - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Lý do: Lính Mỹ không thích dùng súng Mỹ sản xuất vì hay kẹt đạn lúc chiến đấu, và băng đạn ít viên hơn AK-47.
Trang tin Medium ngày 26.5 cho biết trong chiến tranh Việt Nam, lính đặc nhiệm Mỹ gồm đặc nhiệm hải quân SEAL và biệt kích thường cố gắng tìm súng AK-47 chiến lợi phẩm và dùng chúng làm vũ khí chiến đấu chính. Loại súng này hoả lực mạnh, không kẹt đạn và việc bảo dưỡng cũng rất đơn giản.
Thời chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ phát hiện khẩu M-16 rất rắc rối về khâu bảo dưỡng do thiết kế tồi, lại hay kẹt đạn khi đang chiến đấu. Còn khẩu AK-47 đáng tin cậy hơn, băng đạn lại lớn, chứa đến 30 viên, việc bảo dưỡng lại đơn giản.
Lính Mỹ khi dùng AK-47 bắn trả sẽ gây lúng túng cho đối phương, nhất là trong đêm tối, vì tiếng súng AK-47 khác tiếng súng M-16. Như một sĩ quan SEAL nói rằng dùng M-16 bắn chẳng khác nào nói với đối phương rằng mình là ai.
Và Lầu Năm Góc kêu gọi quân đội Mỹ lùng sục vùng nông thôn Việt Nam để tìm du kích và nguồn cung cấp của họ, chủ yếu là những vũ khí nước ngoài và đạn.
Các sĩ quan cấp cao Mỹ chuyển hướng cho binh lính dùng các khẩu AK chiến lợi phẩm và loại đạn 7,62 mm trong chiến đấu. Ví dụ, một báo cáo của SEAL về số vũ khí thu giữ được có ghi đơn giản "7.400 băng đạn của AK-47 được giữ lại cho nhóm SEAL Team 2", theo sử gia Kevin Dockery trong cuốn sách Chiến tranh đặc biệt, vũ khí đặc biệt. Ông nhận xét rằng AK-47 là vũ khí uy tín nhất.
Lầu Năm Góc cũng bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng bí mật riêng cho các vũ khí chiến lợi phẩm. Các nhà thầu chính phủ làm hộp đạn không có bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào bên ngoài. Các loại vũ khí chiến lợi phẩm và các băng đạn không ký hiệu đã được sử dụng cho các toán biệt kích thâm nhập miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia.
Washington luôn tuyên bố không có đưa quân vào ba nơi kể trên. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự bí mật của Lầu Năm Góc, Nhóm Nghiên cứu và Quan sát (MACV-SOG) thường xuyên tung biệt kích vượt qua các biên giới để phá hoại các nguồn hậu cần của bộ đội Bắc Việt Nam, thu thập thông tin tình báo và phá hoại cơ sở hạ tầng.
Những vũ khí chiến lợi phẩm này được lính Mỹ chuộng, nhất là súng AK - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Khẩu AK-47 và súng lục được Mỹ cải tiến có ống giảm thanh - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Nhân viên MACV-SOG đã trở thành một trong những người sử dụng vũ khí chiến lợi phẩm đáng chú ý nhất. Vào tháng 9.1970, nhóm này còn đề nghị phòng thí nghiệm của quân đội sửa đổi 6 khẩu AK chiến lợi phẩm. Chưa đầy một năm sau, các kỹ thuật viên gửi trở lại các khẩu súng này với ống giảm thanh và điểm nhắm (đầu ruồi) sửa đổi. Kỹ thuật viên cũng tạo ra 10 khẩu súng ngắn giảm thanh Walther PPKS như của siêu điệp viên James Bond trên phim ảnh.
MACV-SOG phân phối những khẩu AK cho các đơn vị đặc biệt thâm nhập Bắc Việt Nam với đồng phục bộ đội Việt Nam. Phía Mỹ tin rằng Hà Nội sẽ ít có khả năng phát hiện ra các đội này.
Khi quân đội Mỹ thu được nhiều vũ khí của đối phương hơn, Lầu Năm Góc đưa ra một chiến thuật mới: Tìm cách phá hoại vũ khí đối phương. Năm 1967, Bộ tổng tham mưu liên quân phê duyệt kế hoạch ban đầu được đặt tên là Con út, nhưng sau này đổi thành Pole Bean.
“Mục tiêu của Pole Bean là gây sự cố và thương vong cho đối phương qua vũ khí của họ, khiến họ nghi ngờ, sợ hãi và thiếu tin cậy vào các vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc”, theo giải thích của MACV-SOG.
Các khẩu AK được cố ý chỉnh sửa để phá hoại là một trong những mục tiêu chính của chiến dịch tâm lý này. Một năm sau khi dự án được tiến hành, các chỉ huy Mỹ thậm chí đã cảnh báo các toán trinh sát không được nhặt súng AK ở chiến trường, trừ trường hợp khẩn cấp.
Ngay cả khi việc tham chiến của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á giảm dần, Lầu Năm Góc vẫn sử dụng kho dự trữ vũ khí chiến lợi phẩm. Sau cuộc đảo chính lật đổ vua Norodom Sihanouk ở Campuchia vào năm 1970, Lầu Năm Góc đã cung cấp hơn 27.000 khẩu AK và ba triệu viên đạn cho Phnom Penh, vốn trước đó đã nhận viện trợ quân sự từ Moscow.
Khi Mỹ ký Hiệp định Paris 1972 rút khỏi Việt Nam, lính Mỹ đã mang một số vũ khí chiến lợi phẩm về nhà với họ. Trong khi một số khẩu AK kết thúc sứ mạng trong các bảo tàng, một số khác vẫn còn trong kho vũ khí đặc biệt của Mỹ để dùng cho mục đích huấn luyện.
Nhưng chuyện của Mỹ với khẩu AK-47 trên chiến trường vẫn chưa kết thúc. Ngày nay, chiến tranh lạnh đã kết thúc và súng trường vẫn còn sử dụng rộng rãi trên thế giới, Lầu Năm Góc là một lần nữa mua những khẩu AK trên thị trường mở để cung cấp cho các đồng minh - đặc biệt là ở Trung Đông.
Tân binh biệt kích tập luyện với súng AK ở trại huấn luyện tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan năm 2009 - Ảnh: Reuters
|
Anh Sơn
>> Vũ khí Nga trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam
>> Việt Nam, Hàn Quốc quan tâm vũ khí Israel vì đã thử lửa chiến trường
>> Sốt súng AK ở Mỹ
>> Báo Nga phân tích việc súng AK thua thầu trước Israel tại Việt Nam
Bình luận (0)