(TNO) Việc phát triển loại hình trường phi lợi nhuận bị giậm chân tại chỗ, không loại trừ có nguyên nhân từ sự câu kết giữa các cổ đông muốn thương mại hoá giáo dục với một số ít nhà quản lý theo kiểu lợi ích nhóm.
Sinh viên một trường ngoài công lập ở TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thế nào là trường phi lợi nhuận? Đã có nhiều cách hiểu, cách giải thích không hoàn toàn giống nhau. Nếu nói gọn đó là trường không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu phát triển con người thì cũng không sai, nhưng vẫn chưa rõ, vì các trường khác cũng đều có mục tiêu phát triển con người. Chẳng lẽ không ? Không vì mục tiêu phát triển con người thì giáo dục không còn là giáo dục, mà đã rời bỏ thiên chức của mình, tự biến thành một nghề thương mại thuần túy. Vậy nên, theo cách hiểu của tôi, ở đây, chủ yếu là nhìn từ góc độ tài chính đối với hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, hệ quả của nó không dừng lại chỉ ở vấn đề tài chính, mà còn quan trọng hơn nhiều (sẽ nói ở phần sau). Phi lợi nhuận không có nghĩa là không cần hoạch toán, không cần lãi-lỗ, không cần bảo toàn vốn. Nếu vậy thì không thể tồn tại hoạt động lâu dài. Phi lợi nhuận tức là khi có lợi nhuận không chia cho cá nhân, mà để tăng vốn phát triển nhà trường thành sở hữu chung của cộng đồng xã hội do cộng đồng trường quản lý sử dụng, không phải sở hữu của cá nhân ai, cũng không phải của Nhà nước.
Với quan niệm không chia lợi nhuận cho cá nhân thì tất cả các trường công lập đều là phi lợi nhuận, vậy ở nước ta đã có nhiều trường phi lợi nhuận rồi, có vấn đề gì lớn ở đây phải bàn? Cần phải bàn ở đây là đối với khu vực ngoài công lập, nhất là cao đẳng và đại học. Nước ta, ở khu vực cao đẳng và đại học, công lập còn chiếm 80%, ngoài công lập chỉ mới 20%. Trong khi nước Nhật giàu có như vậy, nhưng họ bố trí một cơ cấu ngược lại, công lập 20%, ngoài công lập 80% (số liệu này cách đây đã mấy năm rồi). Nhà nước ta bao cấp cho khu vực đại học trên diện rộng, cũng tức là dàn mỏng, mới nhìn vào thì thấy chế độ như là ưu việt, nhưng vì khả năng ngân sách có hạn nên có một nền giáo dục đại học giá rẻ mà lại muốn chất lượng cao (là cái không thể). Mà một nền giáo dục đại học chất lượng thấp thì không thể là ưu việt. Trước sau gì cũng phải phát triển nhiều hơn, mạnh hơn đối với khu vực ngoài công lập, trước mắt ít ra thì cơ cấu cũng phải 50% - 50%. Sau này ngoài công lập có thể còn nhiều hơn nữa. Tạm dùng một cách diễn đạt để dễ hình dung rằng, trong nền giáo dục nước ta, hai cánh (công lập và ngoài công lập) phải cân bằng thì con “đại bàng” mới có thể bay cao bay xa. Một cánh cứ cho là khỏe đi, còn cánh kia sệ xuống thì không thể bay được. Sự ra đời và tồn tại của trường phi lợi nhuận còn là sự khẳng định giáo dục có sứ mệnh khác, ý nghĩa khác, không phải là ngành thương mại thuần túy. Giáo dục là lĩnh vực không thể giao hoàn toàn cho thị trường như kiểu kinh tế. Đây cũng là cách thức (dần dần) hình thành sở hữu xã hội trong lĩnh vực văn hóa.
Tuy tiêu chí chủ yếu là vấn đề tài chính nhưng nó bắt nguồn từ tư tưởng khoa học, từ văn hóa và nó tác động trở lại rất lớn đối với chất lượng giáo dục. Mà mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đang là mục tiêu hàng đầu của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thì các trường phi lợi nhuận đã giải quyết đáng kể (thậm chí là phần nhiều hơn) vấn đề chất lượng cao, vì họ không bị “thương mại” hóa, không chạy theo mục tiêu lợi nhuận tối đa để chia cho các cá nhân và cơ chế quản trị nhà trường năng động hơn các trường công lập. Chất lượng cao của giáo dục chỉ có thể đạt được chủ yếu bằng tâm huyết, công sức, tình yêu, sự say mê của những con người hết sức đáng trân trọng đã đầu tư cho sự nghiệp trồng người chứ không phải bằng mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Vì vậy, các trường phi lợi nhuận cho ta hy vọng về một chất lượng tốt hơn trong tương lai gần. Và từ đó, thông qua cạnh tranh về chất lượng, các trường không phi lợi nhuận và các trường công lập cũng được thúc đẩy cùng nâng cao chất lượng.
Có ý kiến cho rằng, trường phi lợi nhuận do không chia lợi nhuận cho cá nhân nên nó làm hạn chế khả năng huy động vốn của xã hội cho phát triển giáo dục. Mới nghe qua tưởng là có lý nhưng thực ra không phải vậy. Ai muốn đầu tư không phi lợi nhuận thì vẫn được, vẫn hoan nghênh, cứ đầu tư, có hạn chế gì đâu. Ở đây, chỉ có một điều là, loại hình phi lợi nhuận được khuyến khích hơn, khuyến khích nhất, và điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, khi có những tổ chức, doanh nhân muốn hiến tặng tài sản cho giáo dục thì thường là họ trao cho trường phi lợi nhuận chứ không trao cho trường vì lợi nhuận cũng như trường công lập của Nhà nước (bởi việc ấy giống như đem tiền cho các cá nhân đang kiếm lợi nhuận hoặc là nộp thêm thuế cho Nhà nước). Điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa thể có nhiều người muốn hiến tặng như vậy, đúng là thế, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có, mà thực tế cũng đã có, mặt khác, cũng cần mở đường cho một xu hướng tiến bộ về văn hóa, lành mạnh về giáo dục. Con người ta khi mới sinh ra không có tiền, khi chết đi cũng không mang tiền theo được, để nhiều tiền lại cho con thì làm hỏng con, chỉ nên để lại cho con năng lực và nhân cách tốt nhất của chính nó, còn tiền thì để lại cho văn hóa. Đó là lý do mà nhiều người khi thành đạt, có độ chín về văn hóa, đã hiến tặng tài sản cho các trường phi lợi nhuận mà họ tin tưởng.
Ở nước ta, sau một thời gian tranh luận nhiều năm, đến nay, đã có Nghị quyết Trung ương, Luật Giáo dục, Nghị định của Chính phủ ghi nhận và khuyến khích loại hình trường phi lợi nhuận. Đây là một bước tiến bộ rất đáng kể trong tư duy về giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản. Rất tiếc là đã qua một số năm sau khi có chủ trương, nhưng mãi tới nay vẫn chưa công nhận được một trường nào là phi lợi nhuận, mặc dù đã có những trường, những nhà giáo dục và nhà đầu tư tâm huyết nhiều lần thiết tha đề nghị. Vì sao mà câu chuyện này cứ giậm chân tại chỗ, chẳng tiến lên được bước nào ?
Theo tôi, nhận thức của các cơ quan liên quan về sự quan trọng của vấn đề này chưa đúng mức. Tuy có ghi vào văn bản này, nghị quyết kia nhưng thực ra chưa thấm, chưa sâu, chưa cảm thấy lý thú, chưa nhận biết được ý nghĩa tận cùng của công việc vinh quang này. Từ đó, thiếu quan tâm, chưa đủ quyết tâm để hành động, thúc đẩy. Mặt khác, không loại trừ nguyên nhân (và cũng đã có biểu hiện) về những cản trở xuất phát từ xu hướng “thương mại” hóa giáo dục, từ “lợi ích nhóm” tiêu cực. Có trường từ khi thành lập đã nhiều lần Hội đồng sáng lập, tất cả cổ đông, đại hội đều thống nhất và báo cáo với cơ quan nhà nước là xây dựng trường phi lợi nhuận, vậy mà mãi đến nay vẫn chưa xong thủ tục. Vì sao vậy? Hoặc là cổ đông nào đấy nói dối với nhà nước để lấy ưu tiên về đất đai và chính sách hỗ trợ của nhà nước, để lấy tiếng tỏ vẻ “văn hóa cao”, chứ thực ra không định làm phi lợi nhuận, mà đi theo hướng thương mại hóa, hoặc là do các cơ chế và sự chỉ đạo xử lý của các cơ quan liên quan không đủ rõ ràng, dứt khoát; chưa khuyến khích, thậm chí là trở ngại cho trường phi lợi nhuận; hoặc là sự phối hợp “phía sau” của một số cổ đông muốn thương mại hóa giáo dục với một ít cán bộ nào đó theo kiểu “lợi ích nhóm”. Cũng có thể cùng lúc nhiều nguyên nhân… Có trường thì đa số cổ đông đã nhất trí làm phi lợi nhuận nhưng đến nay lại nói đa số như vậy vẫn chưa đủ, phải nâng lên một tỷ lệ cao hơn nữa, phải gần như là “tuyệt đối” áp đảo (mà chỉ cần vài cổ đông nào đó không nhất trí phi lợi nhuận thì sẽ không thể nào đủ tỷ lệ số cổ đông để làm phi lợi nhuận).
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Để thúc đẩy việc ra đời và phát triển các trường phi lợi nhuận, cần thiết phải khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách rõ ràng của nhà nước. Đó là: chính sách thuế, hỗ trợ đất đai và tín dụng ưu đãi, có sự khác nhau cơ bản giữa phi lợi nhuận và không phi lợi nhuận, theo hướng ưu tiên hơn, khuyến khích hơn, một cách mạnh mẽ, đối với phi lợi nhuận. Kèm theo là cơ chế quy định tiêu chí của trường phi lợi nhuận và giám sát, kiểm soát, kiểm toán việc thực hiện phi lợi nhuận. Các trường nào ngay từ đầu đã quyết nghị của cổ đông, tuyên bố của Hội đồng sáng lập, báo cáo với các cơ quan nhà nước về việc lựa chọn loại hình phi lợi nhuận thì nay ra văn bản cho thực hiện. Đó là danh dự, là chữ tín của cơ sở giáo dục đào tạo, của nhà đầu tư và cũng là để giữ vững kỷ cương. Những trường nào trước đây chưa lựa chọn mà nay mới lựa chọn phi lợi nhuận thì chỉ cần quá bán số cổ đông (tính theo cổ phiếu mà họ đại diện) là đủ điều kiện cho thực hiện phi lợi nhuận, các cổ đông còn lại không nhất trí phi lợi nhuận thì có quyền rút vốn, nhà trường có các giải pháp về tài chính để tạo điều kiện cho các cổ đông đó rút vốn, đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoặc nhà trường thỏa thuận vay vốn của họ. Các trường dân lập về bản chất đã là (hoặc rất gần với) phi lợi nhuận. Trường phi lợi nhuận ngoài công lập thì dần dần cũng sẽ trở thành trường mang tính chất dân lập. Vì vậy, các trường dân lập nếu nay muốn chuyển đổi thì cho chuyển trực tiếp sang phi lợi nhuận, không có lý do gì mà phải chuyển qua không phi lợi nhuận, rồi sau đó mới chuyển trở về phi lợi nhuận, đi lòng vòng như vậy để làm gì, không cần phải bán trường học kiểu vậy.
Phát triển loại hình phi lợi nhuận là việc quan trọng của giáo dục Việt Nam, vừa để huy động sức mạnh xã hội và tâm huyết của nhà đầu tư cho phát triển giáo dục, vừa nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Việt Nam, hạn chế tình trạng thương mại hóa giáo dục. Tôi xin nêu mấy ý kiến vậy để bạn đọc và các cơ quan liên quan tham khảo và có thể trao đổi.
Bình luận (0)