TNO

Vì sao máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 phải nghỉ hưu sớm?

30/12/2015 10:21 GMT+7

(Tin Nóng) Trong khi oanh tạc cơ già cỗi B-52 phải còn bay đến 100 năm, các máy bay khác cũng phải bay hơn nửa thế kỷ, thì máy bay trinh sát bay nhanh nhất thế giới SR-71 của Không lực Mỹ lại về hưu sau 17 năm hoạt động, vì sao?

(Tin Nóng) Trong khi oanh tạc cơ già cỗi B-52 phải còn bay đến 100 năm, các máy bay khác cũng phải bay hơn nửa thế kỷ, thì máy bay trinh sát bay nhanh nhất thế giới SR-71 của Không lực Mỹ lại về hưu sau 17 năm hoạt động, vì sao?

Vì sao máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 phải nghỉ hưu sớm? - ảnh 1

SR-71 Blackbird những ngày còn ngang dọc - Ảnh: Không lực Mỹ

Lý do là chi phí duy trì hoạt động quá đắt và mối đe doạ từ các vũ khí mới của Liên Xô như tên lửa S-100, máy bay đánh chặn MiG-31, theo The National Interest ngày 28.12.

Với tốc độ siêu thanh gấp 3,2 lần vận tốc âm thanh, bay cao 26 km, chiếc máy bay trinh sát SR-71 Blackbird của tập đoàn Lockheed Martin từ khi đi vào hoạt động năm 1972 được xem là bất khả xâm phạm, thậm chí 1 tướng Mỹ nói có hơn 1.000 lần tên lửa phòng không bắn lên mà không trúng chiếc nào.

Tuy nhiên đến năm 1990, toàn bộ đội bay 32 chiếc SR-71 đều được cho về hưu, vào kho và vào viện bảo tàng, chỉ sau 17 năm hoạt động. Trong khi đó các máy bay khác của Mỹ thời thập niên 1960, 1970 còn bay đến tận ngày nay như B-52, F-15, F-16… Oanh tạc cơ B-52 còn được cho là bay đến 100 năm!

The National Interest cho biết thực ra còn 3 chiếc SR-71 được dùng từ năm 1995 - 1998, và cơ quan NASA dùng 1 chiếc bay nghiên cứu đến năm 1999.
Lý do nghỉ hưu sớm của dòng máy bay tuyệt mật này từng được báo Los Angeles Times đưa tin hồi năm 1989 rằng Không lực Mỹ đã quyết định cho đội SR-71 nghỉ hưu từ năm 1990. Tham mưu trưởng không quân lúc đó là tướng Larry D. Welch nói rằng do vệ tinh tình báo ngày càng phát huy khả năng, nên loại máy bay SR-71 dễ bị tên lửa hiện đại của Liên Xô bắn hạ như SA-10 Grumble (tức S-300, tầm bắn xa 150 km, bắn hạ mọi mục tiêu ở độ cao tối đa 30 km); và kể cả bị máy bay tiêm kích đánh chặn tối tân lúc đó của Liên Xô là MiG-31 khắc chế.
MiG-31 có tốc độ hơn 3.000 km/giờ, sản xuất từ năm 1979, là loại tiêm kích 2 chỗ ngồi, tầm hoạt động 3.300 km, trần bay 20 km. Loại tiêm kích này trang bị 1 pháo 23 mm, mang tên lửa không đối không (10 quả), có thể diệt các loại máy bay, tên lửa, cả vệ tinh quỹ đạo thấp.
Vì sao máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 phải nghỉ hưu sớm? - ảnh 2
SR-71 nay chỉ còn thấy trong viện bảo tàng, như ở Bảo tàng quốc gia Không quân Mỹ - Ảnh: Flickr

Một lý do khác là chi phí hoạt động của SR-71 quá đắt đỏ. Bộ trưởng Không quân thời tổng thống Reagan là Edward C. Aldridge Jr. ước tính chi phí hoạt động của một chiếc SR-71 có thể dùng duy trì hoạt động và bảo dưỡng cho 2 phi đội máy bay chiến đấu.

Theo tính toán, một giờ bay của SR-71 tốn 200.000 USD. Và do đội bay này chỉ có 32 chiếc là quá nhỏ nên chi phí điều hành hoạt động và bảo dưỡng phải tính riêng nên rất cao. Chỉ loại nhiên liệu của SR-71 phải chế tạo riêng cho nó là loại dầu JP-7 (rất an toàn,  vì vậy giá rất cao), mỗi giờ bay SR-71 đốt hết 18.000 USD tiền dầu này (thời giá 1989).

Máy bay tiếp dầu cho SR-71 là loại KC-135Q thiết kế chỉ phục vụ cho những con chim đen (Blackbird) này.

Và đến cuối Chiến tranh Lạnh, ngân sách dành cho Không lực Mỹ liên tục bị cắt giảm, nên cơ quan này không còn nhu cầu duy trì hoạt động của SR-71. Vả lại lúc đó đã xuất hiện các loại máy bay trinh sát không người lái như RQ-3 DarkStar của Lockheed Martin (ngừng bay năm 1999), RQ-170 Sentinel và sắp tới là loại RQ-180 của Northrop Grumman, hoàn toàn thay thế khả năng trinh sát trên cao của SR-71.

Anh Sơn

>> SR-71, loại máy bay bị tên lửa bắn hơn 1.000 lần vẫn không trúng
>> Máy bay tuyệt mật của Mỹ đã trinh sát châu Á 2 năm qua?
>> Oanh tạc cơ siêu thanh duy nhất của Mỹ đã về nhà mới
>> Máy bay trinh sát U-2 vẫn còn bay sau 60 năm
>> Pháo đài bay B-52 còn bay đến năm 2040

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.