Vì sao mỗi năm xảy ra hàng trăm trận động đất ở Kon Plong?

Quý Hiên
Quý Hiên
19/04/2023 17:35 GMT+7

Khu vực H.Kon Plong (tỉnh Kon Tum) vừa xảy ra thêm một trận động đất nhẹ. Hơn 2 năm qua đã có hàng trăm trận động đất xảy ra ở đây.

Trên trang của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa đăng tải thông báo của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) về trận động đất vừa xảy ra ở H.Kon Plong.

Kon Tum: Hàng trăm trận động đất ở Kon Plong mỗi năm, vì sao? - Ảnh 1.

Vị trí trận động đất sáng 19.4 tại H.Kon Plong

VIỆN VẬT LÝ ĐỊA CẦU

Cụ thể, vào hồi 4 giờ 33 phút 2 giây (giờ Hà Nội) ngày 19.4, một trận động đất có độ lớn 2,8 độ Richter xảy ra tại khu vực H.Kon Plong. Vị trí xảy ra trận động đất có tọa độ 14,784 độ vĩ bắc, 108,332 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Điều đáng chú ý là từ đầu tháng 3 đến nay, trong số hàng chục thông báo động đất được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần phát ra thì hầu hết xảy ra tại khu vực H.Kon Plong.

Theo một số thống kê chưa chính thức, từ tháng 4.2021 đến nay, đã có khoảng 500 trận động đất xảy ra ở khu vực này. Cụ thể, năm 2021 xảy ra 185 trận với độ lớn trận lớn nhất là 3,7 độ Richter; năm 2022 xảy ra 250 trận, trận lớn nhất lịch sử được ghi nhận 4,7 độ Richter. Từ đầu năm đến ngày 19.4, đã xảy ra hơn 60 trận.

Trong khi đó, từ năm 1903 đến 2017, khu vực tỉnh Kon Tum và Tây nguyên là khu vực có hoạt động động đất, nhưng chỉ với tổng số 9 trận với độ lớn M = 2,9 độ Richter đến 5,3 độ Richter; với động đất lớn nhất ghi nhận được M = 5,3 độ Richter vào năm 1972 tại Gia Lai.

Được biết, về tình trạng động đất xảy ra với tần suất cao ở H.Kon Plong, tháng 9.2022 cử tri tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ TN-MT sớm kiểm tra, kết luận rõ về nguyên nhân, mức độ, nguy cơ ảnh hưởng của động đất để công bố cho chính quyền và người dân được biết, nhằm chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Trước chất vấn này, Bộ TN-MT cho biết, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với các đơn vị vận hành các nhà máy thủy điện trong khu vực để tiến hành triển khai lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất, nhằm phục vụ nghiên cứu và thông tin động đất.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ, các hồ chứa thủy điện tích nước/xả nước đã làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực dẫn đến các hoạt động kích thích xảy ra liên tục trong thời gian gần đây tại khu vực H.Kon Plong và khu vực lân cận.

Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực.

Chiều 19.4, trao đổi với Báo Thanh Niên, một cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết, đề cương chi tiết của nghiên cứu này hiện vẫn đang được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, nghiên cứu sẽ kéo dài trong khoảng 3 năm thì mới cho kết quả.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.