(TNO) Vì sao người này thích tóc ngắn, người kia lại thích tóc dài. Anh này thích cô gái mặc váy, nhưng gã kia lại thích cô gái mặc quần jeans. Không ai biết! Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây đã giải thích được phần nào hiện tượng này.
Quan điểm thẩm mỹ của mỗi người bị chi phối bởi những trải nghiệm trong quá khứ - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Theo Daily Mail, các nhà khoa học cho rằng nhận thức của chúng ta về cái đẹp không phải có từ lúc sinh ra mà bị chi phối bởi những trải nghiệm cá nhân. Một người thấy ai đó hấp dẫn là do chịu ảnh hưởng từ những hình ảnh đã bắt gặp ở quá khứ, đặc biệt là trên báo chí và tương tác xã hội.
Ban đầu, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên các cặp song sinh. Tuy nhiên, ngay cả với những người có nhiều điểm tương đồng thì một người đẹp hay xấu cũng rất khác nhau. Nếu loại trừ một số quy tắc đơn giản về thẩm mỹ, chẳng hạn như gương mặt cân xứng và hài hòa là đẹp thì hầu như mỗi chúng ta đều có một “gu” khác nhau về nét đẹp, theo Daily Mail.
Hai nhà khoa học đứng đầu chương trình nghiên cứu là Laura Germine của Đại học Harvard (Mỹ) và Jeremy Wilmer của Đại học Wellesley (Mỹ). Họ ước tính khoảng 50% cách nhìn nhận cái đẹp của mỗi người là giống nhau, 50% còn lại là khác nhau.
Nghiên cứu được tiến hành trên 35.000 người để tìm ra những nét thẩm mỹ nào khiến cho họ bị cuốn hút. Các nhà khoa học cũng khảo sát 547 cặp song sinh bằng cách cho họ đánh giá mức độ hấp dẫn của 200 gương mặt để xem liệu cấu trúc di truyền có chi phối nhận thức thẩm mỹ hay không?
Họ phát hiện vấn đề không nằm ở ADN mà lệ thuộc vào trải nghiệm trong quá khứ.
Ngoài các yếu tố truyền thông và tương tác xã hội, các nhà nghiên cứu còn cho rằng khuôn mặt của mối tình đầu cũng tác động đến quan điểm thẩm mỹ.
Bình luận (0)