Vì sao mua vé máy bay 0 đồng vẫn phải trả tới mấy trăm ngàn?

Mai Phương
Mai Phương
17/05/2024 11:23 GMT+7

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định: Đang thu các loại phí, dịch vụ và thu hộ nhà nước theo quy định từ năm 2019 đến nay và không hề thay đổi. Mức phí, dịch vụ này thấp hơn so với các nước.

Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức, nhiều người đọc hỏi: Khi mua vé máy bay 0 đồng thì vẫn phải trả các loại thuế phí, vậy khả năng giảm phí, giá như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Cao Cường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) - chia sẻ: Dịch vụ hạ cất cánh thu theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải là 3 triệu đồng/chuyến bay khứ hồi. Chia bình quân cho đầu người (với chuyến bay khai thác khoảng 80% công suất) thì có giá 20.000 - 21.000 đồng/khách. Mức thu này từ năm 2019 đến nay vẫn giữ ổn định.

Nhóm thứ hai là giá dịch vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách cũng được thu theo Thông tư 53 /2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó phí an ninh từ 20.000 - 21.000 đồng/khách; phí dịch vụ mặt đất từ 60.000 - 90.000 đồng, tùy thuộc nhóm sân bay (A, B hay C) và chia trung bình thì cũng từ 20.000 - 21.000 đồng/khách.

Vì sao mua vé máy bay 0 đồng vẫn phải trả tới mấy trăm ngàn?- Ảnh 1.

Lần đầu tiên, tất cả các bên liên quan đến giá vé máy bay ngồi lại với nhau trong Hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức để cùng làm rõ nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng trong thời gian qua

Thứ ba là dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền... thu theo khung giá quy định, tất cả cộng lại chưa được 5.000 đồng/khách. Cuối cùng là nhóm dịch vụ kỹ thuật mặt đất. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoản 30.000 đồng/hành khách.

Tổng 4 nhóm giá dịch vụ này, ACV đang thu khoảng 118.000 - 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.

Trong khi đó, để đảm bảo khai thác vận hành, công ty luôn đầu tư lớn các cảng như Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất nên cần vốn lớn, đang vay 1,8 tỉ USD nên gặp nhiều khó khăn....

Ông Cường chia sẻ thêm: ACV đang thu phí dịch vụ ở các cảng hàng không với mức cao nhất là 90.000 đồng ở sân bay xếp hạng cao nhất. Nếu so với sân bay Đại Hưng là sân bay lớn nhất của Trung Quốc, mức phí dịch vụ cảng đang được thu hơn 100 nhân dân tệ, khoảng 3 triệu đồng, tức gấp 3 lần của ACV. Còn tại Thái, mức thu này là 95.000 đồng; sân bay Incheon của Hàn Quốc thu 105.000 đồng, cao hơn ACV 15.000 đồng...

Ngoài ra, bản thân ACV cũng đã hỗ trợ và chia sẻ với các hãng hàng không trong thời gian qua. Trong đại dịch Covid-19, các hãng hàng không rất khó khăn, cảng cũng đã hỗ trợ là không thu phí bến đỗ sân đậu. Các hãng đang thu hộ ACV là phí đảm bảo an ninh và dịch vụ mặt đất. ACV đã hỗ trợ các hãng hàng không là không phạt lãi trả chậm trong hai năm 2021 - 2022. Nếu hãng hàng không nào không thanh toán phí thu hộ năm 2020-2022 vào năm 2023 thì sẽ áp dụng phạt lãi chậm thanh toán các năm đó bình thường ( chỉ áp dụng trả trong năm 2023 ).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.