Vì sao Mỹ điều tàu khu trục ra nhận lại UUV từ tàu Trung Quốc?

22/12/2016 20:37 GMT+7

Nhận lại chiếc tàu lặn tự hành (UUV) từ tàu Trung Quốc đã bắt giữ nó mấy hôm trước, Hải quân Mỹ không đưa tàu thăm dò USNS Bowditch ra mà thay bằng tàu chiến hầm hố hơn: tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin.

Theo The Washington Times ngày 21.12, động thái này của Lầu Năm Góc được cho là một thông điệp rõ ràng của Mỹ gửi đến Bắc Kinh.

Khu trục hạm USS Mustin (lớp tàu Arleigh Burke II), thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, vừa kết thúc chuyến thăm cảng quốc tế Cam Ranh (Việt Nam) là lên đường đến nơi diễn ra cuộc trao trả chiếc UUV của tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch (Hải quân Mỹ) bị tàu cứu hộ tàu ngầm Trung Quốc bắt giữ.

Trước đó, ngày 15.12, khi tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Hải quân Mỹ đang tiến hành thu hồi 2 chiếc UUV (gọi là LBS-G, loại tàu lượn đại dương, không có động cơ đẩy, dùng thăm dò và đo đạc các thông số dưới lòng biển) ở vùng biển cách vịnh Subic (Philippines) khoảng 90 km về phía tây bắc trên Biển Đông, tàu cứu hộ tàu ngầm của hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) là chiếc Nanjiu 510 đã dùng xuồng nhỏ bắt giữ 1 chiếc UUV và bỏ đi. Hai tàu Mỹ và Trung Quốc khi đó chỉ cách nhau khoảng 500 m.

Vụ việc này đã gây căng thẳng cho hai nước, với những đấu khẩu và cáo buộc lẫn nhau. Sau đó hai bên sử dụng các kênh liên lạc quân sự để "xử lý vấn đề một cách thích hợp", theo truyền thông Trung Quốc. Phía Mỹ thì cáo buộc Trung Quốc đánh cắp UUV, còn Trung Quốc nói bắt giữ để kiểm tra xem có an toàn hàng hải hay không vì UUV đi sát tàu Trung Quốc.

Ngày 20.12, Trung Quốc và Mỹ thông báo việc trao trả UUV được tiến hành trong ngày.

Tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch Hải quân Mỹ

The Washington Times cho biết ra nhận lại UUV ngay tại vùng biển nơi chiếc UUV bị bắt giữ trước đó không phải là "khổ chủ" USNS Bowditch mà là khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin. Chiếc tàu Trung Quốc đem trả UUV cũng là chiếc đã bắt giữ tàu lặn mấy hôm trước, Nanjiu 510.

The Washington Times kể lại tiến trình trao trả như sau.

Thuỷ thủ Trung Quốc trên tàu Nanjiu 510 dùng dây thừng cột vào đuôi chiếc UUV rồi thả nó xuống nước, cho UUV trôi lềnh bềnh trên biển.

Từ khu trục hạm USS Mustin, một xuồng cao su chở thuỷ thủ Mỹ tiến đến ở điểm giữa chiếc UUV và tàu Trung Quốc, rồi một thuỷ thủ gỡ dây, đưa chiếc UUV dài gần 1 m lên xuồng. Sau đó xuồng cao su quay về tàu Mustin.

Trong thời gian tiến hành trao trả, hai tàu Mỹ và Trung Quốc lặng thinh, không liên lạc với nhau bằng vô tuyến.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho The Washington Times biết việc phái tàu khu trục ra nhận UUV là cố ý, và cũng để gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng việc can thiệp của Trung Quốc vào hoạt động khảo sát đại dương của Mỹ là sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với hoạt động tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.

“Chúng tôi biết không một sĩ quan hải quân Trung Quốc nào dám làm điều này nếu không có sự chấp thuận từ cấp cao hơn”, một sĩ quan quân đội Mỹ nói với tờ báo Mỹ.

Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Mỹ thăm Cam Ranh ngày 15.12.2016 Hải quân Mỹ

Lầu Năm Góc sau đó ra thông cáo báo chí về việc trao trả UUV, khẳng định thiết bị lặn của Mỹ tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu chiến đến hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông. Thông cáo cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và kiềm chế không có thêm những nỗ lực cản trở các hoạt động hợp pháp của Mỹ.

Khu vực UUV của Mỹ hoạt động trước đó được xem là mục tiêu có giá trị cao của tình báo Mỹ để có thể giám sát chặt chẽ hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc trên các đảo trong vùng biển Đông.

Để phòng ngừa việc bắt giữ UUV tái diễn, một số chuyên gia quân sự Mỹ thậm chí gợi ý nên bắt chước chiến thuật UAV tự sát của IS, theo The Washington Times. Đó là gắn thuốc nổ vào các UUV để nếu ai đó bắt giữ chúng sẽ đối mặt với nguy cơ chết hoặc bị thương khi UUV tự kích nổ.

Tàu cứu hộ tàu ngầm Nanjiu 510 của Hạm đội Nam Hải, lớp tàu 922-IIIA (NATO gọi là Dalang III) haijun360.com

Tàu cứu hộ tàu ngầm Nanjiu (Nam Cứu) 510 của Trung Quốc thuộc lớp tàu 922-IIIA (NATO gọi là Dalang III). Loại tàu này cải tiến từ tàu cứu hộ lớp 922-III đóng từ những năm 1980. Tàu dài 113,5 m, lượng choán nước 4.450 tấn, tầm hoạt động 6.500 km, thuỷ thủ đoàn 156 người. Tàu loại này vũ trang 2 khẩu pháo nòng đôi 37 mm hoặc 25 mm, hoặc 2 khẩu 14,5 mm. Hải quân Trung Quốc được cho là có 6 tàu cứu hộ tàu ngầm, gồm 4 chiếc thuộc hạm đội Bắc Hải, 1 chiếc của hạm đội Đông Hải và 1 chiếc của hạm đội Nam Hải.

Khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) là chiến hạm trang bị tận răng các vũ khí hùng hậu. Tàu này thuộc lớp tàu Arleigh Burke, đóng năm 2001, biên chế năm 2003. Tàu dài 155,3 m, lượng choán nước 9.200 tấn, tầm hoạt động 8.100km. Tàu vũ trang 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng, dùng phóng các loại tên lửa phòng không, tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống tàu ngầm. Tàu còn có 1 pháo 127 mm, nhiều loại pháo cận chiến và 2 dàn phóng ngư lôi (loại ống đôi). Tàu còn mang theo 2 trực thăng cùng các xuồng cao su cao tốc.

Tàu có thủy thủ đoàn gần 300 người, hoạt động ở khu vực từ Ấn Độ Dương sang châu Á - Thái Bình Dương.

Còn tàu thăm dò đại dương USNS Bowditch của Hải quân Mỹ không trang bị vũ khí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.