Vì sao Mỹ hoãn quá lâu việc đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo?

29/10/2015 14:48 GMT+7

(TNO) Trận "kéo co" trong nội bộ chính quyền Mỹ đã diễn ra hàng tháng trời. Lầu Năm Góc liên tục hối thúc áp sát đảo nhân tạo. Ở "phe" bên kia, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chần chừ vì sợ bị hiểu lầm ý đồ.

(TNO) Trận "kéo co" trong nội bộ chính quyền Mỹ đã diễn ra hàng tháng trời. Lầu Năm Góc liên tục hối thúc áp sát đảo nhân tạo. Ở "phe" bên kia, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chần chừ vì sợ bị hiểu lầm ý đồ.

Tàu khu trục USS Lassen tiến vào khu vực Biển Đông áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp - Ảnh: Hải quân MỹTàu khu trục USS Lassen tiến vào khu vực Biển Đông áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp - Ảnh: Hải quân Mỹ
Lầu Năm Góc "nổi đóa"
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã "nổi đóa" trước việc Nhà Trắng cứ hoãn tới hoãn lui quyết định đưa tàu đi xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, mặc dù Nhà Trắng đã xác định cần phải làm điều này.
Từ giữa tháng 5 qua, Lầu Năm Góc đã cân nhắc đưa cả máy bay quân sự và tàu chiến áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lúc đó đã liên tục hối thúc chính quyền phản ứng trước tốc độ bồi đắp, xây dựng rất nhanh của Trung Quốc tại đây.
Hoãn và né
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cân nhắc rất lâu thời điểm cho tàu chiến áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông - Ảnh: AFP
Nhưng Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cứ trì hoãn hết lần này đến lần kia, một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ nói với hãng tin Reuters. Sự trì hoãn này khiến Mỹ bị xem là mâu thuẫn với chính tuyên bố lặp đi lặp lại của Mỹ là máy bay, tàu bè của nước này sẽ đi vào "bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép". Sự trì hoãn của Washington cũng khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật và Philippines bực bội.
Suốt một thời gian dài qua, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đều tránh né trả lời hàng loạt câu hỏi, hàng loạt chỉ trích tại sao Mỹ chưa đi vào khu vực 12 hải lý như đã hùng hồn tuyên bố.
Không trả đũa
Tuy nhiên, theo tiết lộ của quan chức Mỹ thì cả Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đều rất cẩn trọng, muốn tránh bị hiểu là Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý là để trả đũa lại một hành động nào đó của Trung Quốc, chẳng hạn trả đũa vụ tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin của 21 triệu nhân viên chính phủ như phía Mỹ cáo buộc. Và thế là người Mỹ lại tiếp tục chọn tới chọn lui thời điểm, hoãn tới hoãn lui việc phái tàu, máy bay đi vào khu vực 12 hải lý.
Sự trì hoãn quá lâu của Tổng thống Obama khiến người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter (ảnh) "nổi đóa" - Ảnh: AFP
"Chính phủ lo lắng rằng nếu chúng tôi bị cho là phản ứng lại một hành động nào đó Trung Quốc đã làm, thông điệp của chúng tôi sẽ bị yếu đi. Trong khi đó, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là đây là vấn đề luật pháp quốc tế, là chúng tôi có quyền đi vào những vùng biển này".
Áp lực với chính quyền Mỹ thời gian qua càng gia tăng giữa thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ 2 bên, khi Mỹ cần Trung Quốc để đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran, và khi Mỹ chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ hồi tháng 9 qua.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama - với quan điểm tránh đối đầu với các đối thủ cũng như giảm thiểu khả năng dính líu trực tiếp tới chiến tranh - phải cẩn trọng tối đa để tránh nguy cơ làm bùng phát xung đột vũ trang ngoài ý muốn, điều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ.
Một quan chức Mỹ khác thì cho biết một trong những lý do nữa dẫn đến sự trì hoãn quá lâu này là vì Mỹ muốn chắc chắn rằng tất cả những biện pháp cần thiết đã được thực hiện để giảm thiểu tối đa nguy cơ đối đầu với quân đội Trung Quốc trên biển. Mỹ muốn đảm bảo rằng việc tàu Mỹ vượt vòng 12 hải lý không có gì là bất ngờ với Trung Quốc.
Quyết định muộn màng
Giới quan sát cho rằng lẽ ra tàu chiến Mỹ phải vào khu vực 12 hải lý sớm hơn. Trong ảnh là USS Lassen, con tàu khu trục đã áp sát Đá Xu Bi hồi đầu tuần - Ảnh: Reuters
Cuối cùng, mãi đến cuối tháng 9, "các phe trong cuộc kéo co" mới thống nhất được đã tới lúc hành động. Nhà Trắng biết không thể trì hoãn hơn nữa, dẫu ông Tập vừa mới cam kết là "không có ý định" quân sự hóa đảo nhân tạo. Và đúng như dự đoán và mong muốn của Obama, vụ tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn sáng 27.10 dẫn đến một số tuyên bố có vẻ mạnh miệng của Trung Quốc nhưng thực tế là không có sự cố, không có va chạm nào xảy ra. Mỹ hiểu rõ Trung Quốc cũng chỉ muốn giữ thể diện.
Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Obama đã cẩn trọng quá mức, lẽ ra đã phải quyết định sớm hơn. Reuters dẫn một nguồn tin từ bên trong nội bộ chính quyền Mỹ nhận xét sự trì hoãn đã làm nảy sinh một vấn đề lớn hơn: "Nó làm suy yếu chiến lược ngay từ đầu của Mỹ rằng những cuộc tuần tra như thế này sẽ diễn ra thường xuyên và là chuyện bình thường".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.